Em là sinh viên đi làm thêm ở công ty tổ chức sự kiện nhưng không được ký hợp đồng lao động hay bất kỳ giấy tờ gì. Gần đây công ty muốn cắt giảm nhân sự nên họ sa thải em và không trả tiền lương 2 tháng làm việc cho em. Vậy em làm sao để đòi lại lương khi không có hợp đồng lao động ạ? Em xin cảm ơn.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Rất nhiều bạn trẻ ngày nay khi đi làm thêm thường không chú ý đến vấn đề ký kết hợp đồng lao động, dẫn đến khi có xảy ra tranh chấp với người sử dụng lao động thì hoang mang vì không có căn cứ để đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho mình. Tuy nhiên, trên thực tế pháp luật lao động rất chú trọng bảo vệ quyền lợi cho người lao động ngay cả khi không giao kết hợp đồng lao động.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 7 Bộ luật Lao động 2019 quan hệ lao động được xác lập qua đối thoại, thương lượng, thỏa thuận theo nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau.Về hợp đồng lao động, Điều 13 của Bộ luật Lao động cũng quy định như sau:
“1. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
2. Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động”
Như vậy, trên thực tế bạn và công ty tổ chức sự kiện đã phát sinh quan hệ lao động mặc dù không giao kết hợp đồng; bạn hoàn toàn có thể đòi hỏi quyền lợi của mình (như tiền lương, các quyền lợi về bảo hiểm,..) thông qua những bằng chứng như tin nhắn, ghi âm cuộc gọi, email,... thỏa thuận giữa hai bên. Ngoài ra, do công ty không giao kết hợp đồng lao động với bạn nên đã vi phạm quy định tại Điều 9 NĐ 12/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cụ thể:
"Điều 9. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động
1. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người lao động làm công việc có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên; giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người được ủy quyền giao kết hợp đồng cho nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật Lao động; giao kết không đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên."
Trường hợp này, bạn có thể trực tiếp thỏa thuận yêu cầu bên phía công ty trả lương cho bạn theo quy định, hoặc khiếu nại đến Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, theo Nghị định 24/2018/NĐ-CP về hành vi sai phạm của công ty này.
Ngoài ra, bạn có thể gửi đơn lên Phòng LĐ-TB&XH nơi công ty đặt trụ sở để yêu cầu Hòa giải viên lao động giải quyết tranh chấp cho mình. Theo khoản 1 Điều 190 BLLĐ năm 2019, thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết là 06 tháng kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Trường hợp hòa giải không thành hoặc thành nhưng người sử dụng lao động không thực hiện hoặc hết thời hạn giải quyết thì người lao động có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com