Chồng tôi là bác sĩ trong một bệnh viện tư nhân, do đặc thù công việc phải tiếp xúc với nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị, không may chồng tôi bị lây covid từ người bệnh. Nếu vậy trường hợp của chồng tôi có được coi là tai nạn lao động và được hưởng chế độ tai nạn lao động không? Mong Luật sư sớm phản hồi giúp tôi. Tôi cảm ơn!

Ảnh minh họa: Internet

Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015, tai nạn lao động được định nghĩa như sau: “Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.”

Một sự kiện chỉ được coi là tai nạn lao động khi có đủ các yếu tố:

  • Có sự cố, rủi ro bất ngờ, xảy ra một cách ngẫu nhiên, nằm ngoài ý muốn chủ quan của con người
  • Gây tổn thương cho các bộ phận, chức năng cơ thể, thậm chí là tử vong
  • Gắn với quá trình lao động, thực hiện công việc,nhiệm vụ

Bên cạnh đó, để được hưởng chế độ tai nạn lao động , người lao động phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 40, Điều 45 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015:

- Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;

c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;

- Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;

- Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này gồm:

a) Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;

b) Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;

c) Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.

Từ những phân tích nêu trên, việc chồng bạn mắc covid 19 trong quá trình làm việc có được hưởng chế độ tai nạn lao động hay không còn phụ thuộc vào kết quả  giám định của cơ quan có thẩm quyền về tỉ lệ phần trăm suy giảm khả năng lao động do bị nhiễm covid 19 và phải đồng thời đáp ứng các điều kiện được hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định tại Điều 45 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015.

Lưu ý: Không phải tất cả các trường hợp người lao động trong quá trình làm việc mắc covid 19 đều được xem là tai nạn lao động mà chỉ những cá nhân làm việc trong các lĩnh vực, ngành nghề liên quan trực tiếp đến công tác phòng chống dịch (gắn với quá trình lao động, thực hiện công việc nhiệm vụ) như bác sĩ, công an,…mới được coi là tai nạn lao động , và sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động nếu có đủ các điều kiện Luật định.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer