Mẹ tôi đi làm giúp việc trên Hà Nội, từ trước đến nay đều không ký hợp đồng lao động mà chỉ thỏa thuận miệng với chủ nhà. Sau tết khi mẹ tôi đi làm lại thì được chủ nhà yêu cầu ký hợp đồng lao động để ràng buộc, yêu cầu thời gian báo trước khi nghỉ việc và các trách nhiệm khác. Tuy nhiên mẹ tôi không muốn ký hợp đồng do không muốn liên quan những thủ tục phức tạp và giấy tờ lằng nhẳng. Vậy xin luật sư cho hỏi: người giúp việc có bắt buộc phải ký hợp đồng với chủ nhà hay không? Vì sao?

Hình ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Internet.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Trước đây, việc thỏa thuận công việc giữa chủ nhà và người giúp việc hầu như đều bằng miệng, do pháp luật chưa có những quy định rõ ràng về vấn đề này. Tuy nhiên, sau khi Nghị định 145/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/2/2021, lao động là người giúp việc gia đình được coi là người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Bộ Luật Lao động và có giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản để làm những công việc theo quy định tại Khoản 1 Điều 161 của Bộ luật Lao động.

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 89 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định:
a) Khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động với người lao động. Hình thức hợp đồng lao động ký kết phải bằng văn bản theo quy định tại khoản 1 Điều 14 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật Lao động;

b) Trước khi ký kết hợp đồng lao động, người lao động và người sử dụng lao động có nghĩa vụ cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 16 của Bộ luật Lao động, đồng thời người sử dụng lao động phải cung cấp rõ các thông tin về phạm vi công việc phải làm, điều kiện ăn ở của người lao động tại gia đình người sử dụng lao động và những thông tin cần thiết khác liên quan đến việc bảo đảm an toàn sức khỏe trong việc thực hiện công việc mà người lao động yêu cầu;

c) Nội dung hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 21 của Bộ luật Lao động. Căn cứ Mẫu số 01/PLV Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này, người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm thỏa thuận cụ thể các quyền, nghĩa vụ và lợi ích của mỗi bên trong hợp đồng lao động để thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế nhưng phải bảo đảm các nội dung chủ yếu quy định tại khoản 1 Điều 21 của Bộ luật Lao động;

…”

Như vậy, việc chủ nhà yêu cầu mẹ bạn ký hợp đồng lao động là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Việc ký kết hợp đồng lao động mặc dù sẽ ràng buộc trách nhiệm của mẹ bạn đối với chủ nhà, tuy nhiên nó cũng giúp mẹ bạn được bảo đảm các quyền lợi chính đáng, đây cũng là căn cứ pháp lý để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.

Bạn nên giải thích cho mẹ những quyền lợi cũng như nghĩa vụ khi ký kết hợp đồng lao động để mẹ bạn hiểu và thực hiện cho đúng quy định của pháp luật. Có thể, mẹ bạn không muốn ký hợp đồng do lo ngại những ràng buộc của chủ nhà khi nghỉ việc, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, hai bên đều có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần lý do, chỉ cần báo trước ít nhất 15 ngày. Đặc biệt, đối với một số trường hợp sau đây thì người lao động thậm chí không cần phải báo trước:

  • Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận,trừ trường hợp tại Điều 29 BLLĐ
  • không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật Lao động;
  • Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự;
  • Bị cưỡng bức lao động;
  • Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
  • Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật Lao động;
  • Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật Lao động trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
  • Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật Lao động làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động;

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            

"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếpSố 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Emailcongtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer