Tôi là nhân viên bán hàng trong một công ty kinh doanh nội thất. Thời gian mang bầu, sức khỏe của tôi không được ổn định, tôi hay đi làm trễ và không đạt được doanh số công ty đã đề ra nên bị xử lý kỷ luật. Sau đó viện lý do tôi đang mang thai ,công ty yêu cầu tôi nộp phạt 200.000 đồng đối với mỗi lần vi phạm để thay cho việc xử lý kỷ luật. Tôi rất bức xúc nên muốn nhờ Luật sư tư vấn giúp tôi việc công ty làm như vậy là đúng hay sai? Trường hợp này tôi phải làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình?

Ảnh minh họa: Internet

Trả lời

Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt.

Từ những băn khoăn của bạn, chúng tôi hệ thống thành hai vấn đề như sau:

Vấn đề 1, công ty có được phạt tiền NLĐ vi phạm nội quy để thay cho các hình thức kỷ luật không?

Xử lý kỷ luật lao động là biện pháp xử lý mà người sử dụng lao động áp dụng đối với người lao động khi người lao động vi phạm nội quy, quy chế của doanh nghiệp nhằm nhắc nhở, cảnh cáo hoặc trừng phạt người lao động. Hiện nay, có 04 hình thức xử lý kỷ luật lao động mà doanh nghiệp được phép áp dụng quy định cụ thể tại Điều 124 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 bao gồm:

+ Khiển trách

+ Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng

+ Cách chức: Hình thức này chỉ áp dụng đối với người lao động đang giữ một chức vụ nhất định trong doanh nghiệp.

+ Sa thải

Mặt khác, tại Điều 127 Bộ luật lao động năm 2019 quy định : nghiêm cấm các hành vi phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động

“Điều 127. Các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động

1. Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động.

2. Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.”

Như vậy, ngay cả khi người lao động vi phạm nội quy, người sử dụng lao động không được phạt tiền, cắt lương thay cho việc xử lý kỷ luật. Việc doanh nghiệp yêu cầu nhân viên nộp tiền phạt cho mỗi lần vi phạm nội quy như vậy là hành vi trái pháp luật, theo đó, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng theo điểm b khoản 3 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP (thay thế Nghị định 28/2020/NĐ-CP ):

 Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:

a) Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín hoặc nhân phẩm của người lao động khi xử lý kỷ luật lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Dùng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động;

c) Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không quy định;

d) Áp dụng nhiều hình thức kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động;

đ) Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây: nghỉ ốm đau; nghỉ điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động; đang bị tạm giữ; đang bị tạm giam; đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 của Bộ luật Lao động.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả

d) Buộc người sử dụng lao động trả lại khoản tiền đã thu hoặc trả đủ tiền lương cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.

Vấn đề 2, NLĐ phải làm gì để bảo vệ quyền lọi khi công ty yêu cầu nộp tiền phạt đối với mỗi lần vi phạm?

Để bảo vệ quyền lợi của mình khi công ty áp dụng cơ chế phạt tiền, cắt lương thay cho các hình thức kỷ luật lao động, bạn có thể:

+ Làm văn bản khiếu nại về sự việc nêu trên gửi bên công đoàn hoặc lãnh đạo công ty yêu cầu giải quyết.

+ Nếu công ty vẫn không đáp ứng yêu cầu của bạn, bạn có thể gửi văn bản phản ánh lên Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội quận, huyện nơi công ty đặt trụ sở để yêu cầu giải quyết.

+Trường hợp hòa giải không thành hoặc quá thời hạn (5 ngày làm việc) mà không được giải quyết thì bạn có thể khởi kiện lên Tòa án nhân dân quận, huyện nơi công ty có trụ sở để bảo vệ quyền lợi của mình.

Bài viết liên quan: Xử lý kỷ luật lao động - những điều cần phải biết  

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer