Câu hỏi: Người lao động bên phía Công ty tôi đang nghỉ chế độ thai sản, còn 1 tháng nữa người lao động sẽ hết thời gian nghỉ 6 tháng. Tuy nhiên, người lao động muốn xin nghỉ không lương thêm 6 tháng nữa nhưng công ty không đồng ý, vì thời gian 6 tháng không thể đảm bảo công việc. Vậy có phương án nào cho công ty tôi không?
Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi về Công ty Luật TNHH Sao Việt, đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Phương án 1: Thoả thuận với người lao động
Sau khi hết 06 tháng nghỉ thai sản, Công ty và lao động nữ có thể:
1. Thỏa thuận với công ty về việc tạm hoãn hợp đồng lao động.
Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 30 Bộ Luật Lao động 2019, tạm hoãn hợp đồng được thực hiện như sau:
“1. Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động bao gồm:
d) Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 138 Bộ Luật lao động 2019”
Sau khi hết thời gian nghỉ thai sản (6 tháng), nếu lao động nữ muốn tiếp tục nghỉ để chăm con, có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Nếu người sử dụng lao động đồng ý, lao động nữ sẽ được nghỉ thêm trong thời gian đã thỏa thuận.
Trong thời gian tạm hoãn hợp đồng, người lao động không được hưởng lương và không được hưởng các quyền lợi đã giao kết trong hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc quy định pháp luật khác (khoản 2 Điều 30 Bộ luật Lao động 2019). Nếu không đạt được thỏa thuận, người lao động phải đi làm trở lại theo đúng quy định.
2. Thỏa thuận về việc nghỉ không hưởng lương.
Căn cứ Điều 114 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được nghỉ việc riêng có hưởng lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong các trường hợp sau:
“1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:
a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 114 Bộ luật lao động 2019, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.”
Như vậy, nếu lao động nữ muốn nghỉ thêm để chăm sóc con có thể thỏa thuận với công ty về việc nghỉ không hưởng lương. Nếu hai bên đạt được thỏa thuận, thời gian nghỉ sẽ theo nội dung thỏa thuận.
Phương án 2. Trường hợp người lao động và người sử dụng không thoả thuận được
Nếu hết thời gian nghỉ thai sản (06 tháng) mà lao động nữ không thỏa thuận được với công ty về việc tạm hoãn hợp đồng hoặc nghỉ không lương, người lao động bắt buộc phải đi làm trở lại.
Trường hợp người lao động không đi làm mà không có lý do chính đáng, công ty có quyền xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:
Bước 1: Xác định vi phạm
Nếu người lao động vắng mặt từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên mà không có lý do chính đáng, công ty lập biên bản vi phạm và thu thập chứng cứ theo khoản 1 Điều 70 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Bước 2: Chờ đủ thời gian xử lý kỷ luật
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 37 Bộ luật lao động 2019, người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Vì vậy, trước khi con của người lao động đủ 12 tháng tuổi, doanh nghiệp không được xử lý kỷ luật sa thải người lao động.
Về thời hiệu xử lý kỷ luật lao động, theo quy định tại Khoản Điều 123 Bộ luật Lao động 2019, doanh nghiệp có tối đa 12 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm để tiến hành xử lý kỷ luật lao động.
Trong thời gian này, công ty có quyền tuyển dụng hoặc bố trí người khác vào vị trí công việc đó.
Bước 3: Họp xử lý kỷ luật sa thải
- Sau khi hết thời gian chờ 12 tháng, công ty tổ chức họp xử lý kỷ luật theo khoản 2, 3, 4 Điều 70 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
- Nếu đủ điều kiện, công ty ra quyết định sa thải người lao động theo khoản 4 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn vấn đề thắc mắc cần được giải đáp hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt, bạn vui lòng liên hệ:
=================================================================================
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com