Tôi hiện đang có tranh chấp với người sử dụng lao động về vấn đề luân chuyển công việc không có trong hợp đồng lao động, không chỉ riêng tôi mà nhóm công nhân của xưởng hiện tại đều đang bị công ty chèn ép, bắt làm những việc ngoài công việc ban đầu và bị trừ lương vô lý. Tôi đã làm đơn kiến nghị nhưng không được phản hồi. Tôi muốn khởi kiện nhưng bên công đoàn nói phải hòa giải trước đã. Tôi muốn hỏi trường hợp này tôi không hòa giải mà cứ khởi kiện thì có được không? Vì thực ra hòa giải cũng không thành mà chỉ mất thời gian do tình trạng này đã diễn ra lâu rồi.
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Tranh chấp lao động bao gồm tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể. Ở trường hợp của bạn là tranh chấp lao động cá nhân. Tuy nhiên, dù là tranh chấp lao động cá nhân hay tranh chấp lao động tập thể thì theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019, cả hai dạng tranh chấp lao động này đều phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết hoặc Tòa án giải quyết.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019, tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
- Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
- Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
- Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
- Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
- Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
Đối với tình huống của bạn, bạn nên gửi đơn khiếu nại đến người lao động trước. Nếu người lao động không phản hồi, bạn tiếp tục gửi đơn yêu cầu hòa giải đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Khi việc hòa giải không thành, lúc đó bạn có thể nộp đơn khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com