Gia đình tôi có hai anh em, tôi là con gái và có một anh nữa hơn tôi 3 tuổi. Năm 2013, bố mẹ tôi có công chứng di chúc chung trong đó có nội dung: “Để lại căn nhà và mảnh đất cho anh T (là con trai cả) và để lại một sổ tiết kiệm trị giá 1,5 tỷ đồng cho tôi” và di chúc cũng có ghi “Khi một trong hai người chết thì người còn lại có toàn quyền định đoạt căn nhà này”. Bố tôi mất năm 2018, mẹ tôi sống với anh trai tôi tại ngôi nhà đó đến nay. Đầu năm nay anh tôi chơi bitcoin thua lỗ nên muốn mẹ sang tên căn nhà để cầm cố, mẹ tôi không đồng ý nên muốn sửa di chúc để lại căn nhà cho tôi. Vậy theo nội dung di chúc đã nêu thì khi bố tôi đã chết, mẹ tôi có quyền sửa đổi di chúc để hủy quyền thừa kế của anh tôi hay không?
Ảnh minh họa, nguồn: Internet.
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
Di chúc chung của vợ chồng là một trong những dạng di chúc được quy định tại Bộ luật dân sự năm 2005 nhưng đã bị bỏ khỏi BLDS năm 2015 do đó những vấn đề về di chúc chung của vợ chồng hiện nay còn nhiều bất cập. Theo quy định của Bộ Luật Dân sự, người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế và cũng có quyền truất quyền hưởng di sản của người thừa kế. Tuy nhiên đối với di chúc chung của vợ chồng thì phạm vi quyền của người lập di chúc có những hạn chế hơn so với các loại di chúc thông thường. Cụ thể, theo quy định tại Điều 664 BLDS 2005 thì “Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung ... nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình”. Điều 668 BLDS 2005 cũng quy định “Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết”.
Như vậy, nếu một trong hai người mất đi thì di sản để lại sẽ được “treo” bởi bản di chúc chung của vợ chồng mới chỉ có hiệu lực một phần, người còn lại chỉ được phép sửa đổi, hủy bỏ chỉ đối với phần di sản của mình.
Trong trường hợp của bạn, di chúc chung của bố mẹ bạn đã được công chứng. Bố bạn đã mất do đó di chúc đã có hiệu lực pháp luật đối với phần di sản do bố bạn để lại, vì vậy anh trai bạn có quyền được hưởng theo nội dung di chúc. Tuy nhiên, trong di chúc chung của cha mẹ bạn có một nội dung ghi: “ Khi một trong hai người chết thì người còn lại có toàn quyền định đoạt căn nhà này.” Nội dung này có nhiều cách hiểu khác nhau:
Thứ nhất, có thể hiểu là khi bố bạn chết thì mẹ bạn có quyền định đoạt căn nhà là tài sản chung của hai người (có thể hiểu là được sử dụng, định đoạt nhưng không được đứng tên sở hữu toàn bộ). Khi mẹ bạn chết thì anh trai bạn mới có quyền sở hữu toàn bộ căn nhà như nội dung di chúc.
Thứ hai, có thể hiểu khi bố bạn chết thì mẹ bạn được thừa kế phần tài sản của bố bạn là một nửa căn nhà, trở thành chủ sở hữu của căn nhà và có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt toàn bộ căn nhà. Sau đó mẹ bạn được đứng tên và quyết định ai là người thừa kế sau này.
Thứ ba, có thể hiểu “một trong hai người” ở đây là bạn và anh trai của mình, tức là nếu anh bạn hoặc bạn chết trước thì người còn lại có quyền thừa kế căn nhà. Tuy cách hiểu này hơi khiên cưỡng đối với hoàn cảnh này tuy nhiên vì chủ thể của câu này không rõ ràng nên vẫn có thể có cách hiểu như vậy.
Đối với tranh chấp về cách hiểu nội dung của di chúc, Bộ Luật Dân sự năm 2015 đã quy định việc giải thích di chúc tại Điều 648 như sau: “Trường hợp nội dung di chúc không rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau thì những người thừa kế theo di chúc phải cùng nhau giải thích nội dung di chúc dựa trên ý nguyện đích thực trước đây của người chết, có xem xét đến mối quan hệ của người chết với người thừa kế theo di chúc. Khi những người này không nhất trí về cách hiểu nội dung di chúc thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.”
Ngoài ra, nếu có một phần nội dung di chúc không giải thích được nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của di chúc thì chỉ phần không giải thích được không có hiệu lực. Vì vậy, để hiểu rõ nhất nội dung di chúc và để bảo vệ quyền lợi của mình thì bạn nên cung cấp đầy đủ nội dung di chúc cho Luật sư.
Tuy nhiên, đối với trường hợp của bạn, theo quan điểm của chúng tôi thì khả năng cách hiểu thứ nhất sẽ đúng hơn.
Có thể bạn quan tâm:
- Có nên lập di chúc chung của vợ chồng hay không
- Sửa đổi di chúc chung của vợ chồng khi một người đã chết
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com