Vừa rồi, tôi có làm thủ tục xin hoàn thuế thu nhập cá nhân thì mới phát hiện ra MST của tôi đã được đóng cho một công ty nào đấy tận 4 năm. Công ty đó ở Yên Bái trong khi tôi ở Hà Nội, chưa bao giờ làm việc cho công ty nào như vậy. Tôi tra thông tin trên mạng và liên hệ với công ty đó thì họ nói chuyện rất ngang ngược, kêu tôi cứ kệ đó không sao cả và không hợp tác. Tôi muốn hỏi trường hợp này tôi phải làm gì? Công ty này ăn cắp thông tin của tôi để khai thuế thì có thể bị xử lý thế nào? Tôi xin cảm ơn.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Hiện nay chỉ cần bản sao chứng minh nhân dân là đã có thể đăng ký mã số thuế, vì vậy chỉ cần bị lộ chứng minh nhân dân thì rất dễ bị các doanh nghiệp ăn cắp thông tin để đăng ký mã số thuế. Các doanh nghiệp này sẽ sử dụng MST của bạn để kê khai thu nhập người lao động ảo nhằm giảm thuế, trốn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tình trạng này không phải hiếm và đã xảy ra trong thời gian khá dài nhưng chưa được cơ quan chức năng xử lý triệt để. Khi rơi vào tình huống này, không thể “kệ đó không sao cả” vì có thể vướng rắc rối pháp lý sau này. Vì vậy, bạn cần làm cam kết không phát sinh thu nhập tại doanh nghiệp khai khống và gửi tới cơ quan thuế để họ xác minh lại. Đồng thời, bạn cũng nên gửi đơn tố cáo trực tiếp lên chi cục thuế quản lý doanh nghiệp đang sử dụng trái phép MST của bạn để họ có biện pháp xử lý.

Khai thuế khống bị xử lý như thế nào?

Thông thường những doanh nghiệp khai khống số thuế khi bị cơ quan thuế “sờ gáy”  sẽ bao biện bằng lý do “nhập nhầm MST” dẫn đến việc trùng hợp MST bị nhập nhầm lại là MST của cá nhân khác. Tuy nhiên cơ quan thuế sẽ xác minh lại khai sai do nhầm lẫn hay cố tình trốn thuế.

1. Trường hợp vô tình khai sai do nhầm lẫn:

- Nếu không làm giảm số thuế phải nộp hoặc chưa được hoàn thuế, không làm tăng số tiền thuế được miễn, giảm thì bị xử phạt theo Điều 12 Nghị định 125/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 5 triệu đến 8 triệu tùy từng trường hợp cụ thể.

- Trường hợp làm giảm số thuế phải nộp hoặc chưa được hoàn thuế, không làm tăng số tiền thuế được miễn, giảm sẽ bị phạt 20% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn so với quy định khi thuộc một trong các hành vi sau đây (Điều 16 Nghị định 125/2020/NĐ-CP):

+ Khai sai căn cứ tính thuế hoặc số tiền thuế được khấu trừ hoặc xác định sai trường hợp được miễn, giảm, hoàn thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn nhưng các nghiệp vụ kinh tế đã được phản ánh đầy đủ trên hệ thống sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ hợp pháp;

+ Khai sai làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này nhưng người nộp thuế đã tự giác kê khai bổ sung và nộp đủ số tiền thuế thiếu vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế kết thúc thời hạn thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế;

+ Khai sai làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số thuế được miễn, giảm đã bị cơ quan có thẩm quyền lập biên bản thanh tra, kiểm tra thuế, biên bản vi phạm hành chính xác định là hành vi trốn thuế nhưng người nộp thuế vi phạm hành chính lần đầu về hành vi trốn thuế, đã khai bổ sung và nộp đủ số tiền thuế vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt và cơ quan thuế đã lập biên bản ghi nhận để xác định là hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế;

Ngoài ra, người nộp thuế còn bị buộc nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được hoàn, miễn, giảm cao hơn quy định và tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước. Trường hợp đã quá thời hiệu xử phạt thì người nộp thuế không bị xử phạt nhưng phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được hoàn, miễn, giảm cao hơn quy định và tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước theo thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

- Nếu khai sai dẫn đến làm thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn nếu đã khai bổ sung hồ sơ khai thuế và tự giác khắc phục hậu quả bằng cách nộp đủ số tiền thuế phải nộp trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế phát hiện không qua thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế hoặc trước khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện thì không bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế theo quy định tại Điều 142 Luật quản lý thuế 2019.

2. Trường hợp cố tình trốn thuế

Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, hành vi cố tình khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm thuế (không thuộc các trường hợp đã nói phía trên) bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một hành vi vi phạm  quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

- Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với trường hợp vi phạm mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.

- Phạt tiền 2 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế nếu có một tình tiết tăng nặng.

- Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế nếu có hai tình tiết tăng nặng.

- Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc nộp lại đủ số tiền thuế đã trốn và phải điều chỉnh lại số liệu đầu vào.

Trường hợp vi phạm nghiêm trọng và có dấu hiệu tội phạm thì người vi phạm còn có thể bị khởi tố về tội trốn thuế theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer