Cùng với sự phát triển của kinh tế, tình trạng cưỡng bức lao động cũng theo đó mà phát triển nhanh hơn, thủ đoạn tinh vi hơn. Vì thế, nhằm bảo vệ người lao động, hướng tới bảo vệ quyền con người, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) đã bổ sung những điều khoản về hành vi cưỡng bức lao động (Điều 297).

  1. Căn cứ pháp lý
  1. Cấu thành tội phạm

Khách thể của tội phạm

Tội phạm này xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ của người khác, mà cụ thể ở đây là người lao động.

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này là bất kì ai đạt độ tuổi luật định và có năng lực trách nhiệm hình sự. Mặc dù, khi nhắn đến quan hệ lao động, thông thường người lao động bị cưỡng bức bởi chủ sử dụng lao động trong việc thực hiện các nhiệm vụ, công việc lao động. Nhưng điều luật này không bó hẹp phạm vi chỉ người sử dụng lao động mới có thể trở thành chủ thể thực hiện tội cưỡng bức lao động, mà còn có thể là những người khác có liên quan đến quan hệ lao động này ví dụ như người quản lý, người được chủ sử dụng lao động giao thực hiện các công việc tại cơ sở có sử dụng lao động hoặc giữa chính những người lao động với nhau.

Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi thuộc mặt khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm của tội cưỡng bức lao động là hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động. Như vậy, hành vi khách quan của tội phạm này bao gồm 3 dạng hành vi:

- Hành vi dùng vũ lực: Là sử dụng sức mạnh bạo lực thông qua các hành vi như đấm, đá, tát, đánh, đập tác động bằng ngoại lực vào cơ thể của nạn nhân. Hành vi dùng vũ lực có thể thể hiện dưới nhiều động tác khác nhau và mục đích chính khi sử dụng vũ lực là nhằm ép người khác phải lao động. Điều này để phân biệt với hành vi dùng vũ lực trong các tội khác như cố ý gây thương tích, cưỡng dâm, hiếp dâm…

- Hành vi đe dọa dùng vũ lực: Là việc sử dụng bạo lực tinh thần thông qua các hành vi, hành động hoặc dưới hình thức không hành động nhằm làm cho người lao động lo sợ rằng hành vi sử dụng bạo lực sẽ diễn ra, từ đó buộc họ phải thực hiện việc lao động mà người cưỡng bức lao động đã ép buộc họ tiến hành.

- Thủ đoạn khác: Là việc sử dụng các thủ đoạn ngoài dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, ví dụ như các biện pháp ép buộc về tinh thần, ràng buộc về các điều kiện vật chất, công việc khiến cho người lao động phải miễn cưỡng làm việc theo yêu cầu của người cưỡng bức lao động đặt ra.
Hậu quả của tội phạm này không phải là căn cứ duy nhất để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi cưỡng bức lao động. Người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.

 Mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Hình phạt

Khung 1: (khoản 1)

Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động thuộc một trong ba trường hợp dưới đây thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đến 200.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.

Khung 2: (khoản 2)

Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

  1. Có tổ chức;
  2. Đối với 02 người trở lên;
  3. Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
  4. Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
  5. Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
  6. Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 61% trở lên;
  7. Tái phạm nguy hiểm.

Khung 3: (khoản 3)

Đặc biệt, nhằm xử phạt nghiêm những người có hành vi cưỡng bức lao động, đồng thời tăng tính răn đe đối với người khác, Khoản 3 Điều này đã quy định mức phạt tù cao nhất đến 12 năm nếu phạm tội thuộc một trong ba trường hợp sau:

– Làm chết 02 người trở lên;

– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên với tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

Bên cạnh hình phạt chính, người phạm tội cưỡng bức lao động còn phải chịu hình phạt bổ sung như phạt tiền và cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer