Tôi là một Freelancer. Dạo gần đây tôi có xây dựng cho mình kênh podcast trên các ứng dụng âm thanh với các chủ đề khác nhau. Các bài podcast là do cá nhân tôi sáng tạo và thể hiện do đó tôi muốn đăng ký bản quyền để tránh việc sao chép ý tưởng? Vậy tôi có thể đăng ký bằng cách nào? Mong Luật Sao Việt tư vấn!

Ảnh minh họa, nguồn: internet.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Sao Việt, theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi tư vấn như sau:

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi năm 2009 quy định Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác là tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ.

Đồng thời tại Điều 8 Nghị định 22/2018/NĐ-CP cũng quy định Quyền tác giả đối với bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác như sau:

"1. Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm thể hiện bằng ngôn ngữ nói và phải được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định.

2. Trong trường hợp tác giả tự thực hiện việc định hình bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác dưới hình thức bản ghi âm, ghi hình, thì tác giả được hưởng quyền tác giả đối với bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác, đồng thời là chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật sở hữu trí tuệ."

Podcast được hiểu là các tập tin âm thanh hoặc video số. Do đó, podcast là loại hình tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả. Trong trường hợp của bạn, bạn là người sáng tạo ra các podcast và tự mình thể hiện nó. Vì vậy bạn hoàn toàn có quyền đăng ký quyền tác giả đối với các podcast đó.

Để đăng ký quyền tác giả bạn cần làm các thủ tục sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Điều 50 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi năm 2009 quy định hồ sơ đăng ký quyền tác giả bao gồm các loại giấy tờ sau:

- Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan);

- Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;

- Giấy uỷ quyền, nếu người nộp đơn là người được uỷ quyền;

- Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;

- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;

- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cụ thể tại một trong các địa chỉ sau: Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng.

Bước 3: Thẩm định hồ sơ và trả kết quả

Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan cho người nộp đơn.

Trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn.

Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan được ghi nhận trong Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan và có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer