Gia đình tôi mở cửa hàng “CÔ BA” bán các món ăn cổ truyền Bắc Bộ được gần hai chục năm nay, rất nổi tiếng ở Hà Nội. Tuy nhiên, cửa hàng của gia đình tôi lại chưa đăng ký thương hiệu này với cơ quan nhà nước. Hiện nay có rất nhiều cửa hàng đặt giống tên cửa hàng gia đình tôi với ý đồ ăn theo, khiến khách hàng nhầm lẫn và ảnh hưởng đến uy tín của cửa hàng. Xin hỏi: Pháp luật dựa trên những tiêu chí gì để xác định một nhãn hiệu là nhãn hiệu nổi tiếng? Để được bảo hộ, có cần phải tiến hành thủ tục đăng ký đối với nhãn hiệu nổi tiếng hay không? Thương hiệu “CÔ BA” của gia đình tôi có được coi là nhãn hiệu nổi tiếng không?

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Trả lời:  

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt, với câu hỏi của bạn, chúng tôi trả lời như sau:

Trước tiên, để làm rõ khái niệm nhãn hiệu nổi tiếng, pháp luật Việt Nam đã đưa ra các tiêu chí cơ bản làm chuẩn mực xem xét đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng tại Điều 75 – Luật SHTT 2005 và được cụ thể hóa tiếp tục tại Mục 5 – Thông tư 01/2007. Để đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng thì dựa vào các tiêu chí sau:

1. Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;

2. Phạm vi lãnh thổ mà hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;

3. Doanh số từ việc bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hoá đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;

4. Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;

5. Uy tín rộng rãi của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;

6. Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;

7. Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;

8. Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.

Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng rộng rãi khiến cho nhãn hiệu đó trở thành nổi tiếng mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ (thể hiện tại Khoản 35 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN ngày 30/6/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14 tháng 02 năm 2007 hướng dẫn thi hành nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 30 tháng 7 năm 2010, thông tư số 18/2011/TT-BKHCN ngày 22 tháng 7 năm 2011 và thông tư số 05/2013/TT-BKHCN ngày 20 tháng 02 năm 2013).

Tuy nhiên, khi sử dụng quyền sở hữu và giải quyết tranh chấp quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng, chủ sở hữu nhãn hiệu đó phải chứng minh được quyền sở hữu của mình và chứng minh nhãn hiệu đó đáp ứng các điều kiện để được coi là nổi tiếng.

Tài liệu chứng minh quyền sở hữu nhãn hiệu và chứng minh sự nổi tiếng của nhãn hiệu có thể bao gồm số lượng quốc gia nhãn hiệu đã được đăng ký hoặc được thừa nhận là nhãn hiệu nổi tiếng; phạm vi lãnh thổ mà nhãn hiệu được lưu hành, doanh số bán sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ; giá trị tài sản của nhãn hiệu, giá chuyển nhượng hoặc chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu; đầu tư, chi phí cho quảng cáo, tiếp thị nhãn hiệu, kể cả cho việc tham gia các cuộc triển lãm quốc gia và quốc tế; các vụ việc xâm phạm, tranh chấp và các quyết định, phán quyết của tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền; giải thưởng, huy chương mà nhãn hiệu đã đạt được; kết quả giám định của tổ chức giám định về sở hữu trí tuệ;...

Như vậy, thương hiệu “ CÔ BA” của gia đình bạn sẽ được coi là nhãn hiệu nổi tiếng nếu bên bạn đủ các tài liệu chứng minh quyền sở hữu nhãn hiệu và tài liệu chứng minh sự nổi tiếng của nhãn hiệu theo các tiêu chí như trên.

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer