Hồng Liên: Chào luật sư, nhãn hiệu và nhãn hàng hóa có khác nhau hay không, có thể chỉ rõ điểm khác nhau của 2 khái niệm này giúp tôi được không? Xin cảm ơn!

                                                                               Nguồn ảnh: Internet.

Trả lời

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Nhãn hiệu được quy định tại Luật sở hữu trí tuệ như sau:

Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Bao gồm:

- Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.

- Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.

- Nhãn hiệu liên kết là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau.

- Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Trên nhãn hiệu, những dấu hiệu có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ khi thiết kế phải không được trùng hoặc không tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Nhãn hàng hóa được quy định tại khoản 1 điều 3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP như sau: Nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa.

Các nội dung được ghi trên nhãn hàng hóa gồm: tên hàng hoá; tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá; định lượng; ngày sản xuất; hạn sử dụng; xuất xứ hàng hoá phải được thể hiện và phải bảo đảm trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hoá. Các nội dung bắt buộc khác phải được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hoá và trên nhãn hàng hoá phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.

Nhãn hàng hóa bắt buộc phải được ghi trên sản phẩm khi chủ thể kinh doanh thực hiện kinh doanh các loại hàng hoá lưu thông trong nước, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và được thực hiện thông qua việc đăng ký chất lượng sản phẩm, hàng hóa; nếu không thực hiện sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, nhãn hiệu không bắt buộc phải thể hiện trên sản phẩm. Nhãn hiệu chỉ nhằm mục đích giúp người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của các chủ thể với nhau. Trường hợp bạn thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, nhãn hiệu sẽ thuộc sở hữu riêng và không phụ thuộc vào nhãn hàng hóa được ghi trên sản phẩm.

Về mặt hình thức, nhãn hàng hoá phải được gắn trên bao bì sản phẩm, ở vị trí nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật. Còn nhãn hiệu được đặt ở những vị trí dễ nhận biết trên một sản phẩm hàng hoá hoặc bao bì hàng hoá, hoặc có thể dùng quảng cáo, sử dụng trong các giấy tờ giao dịch thương mại mà không cần thiết chỉ dẫn xuất xứ.

Nếu xét về tính đa dạng thì nhãn hàng hóa rất đa dạng, với mỗi loại hàng khác nhau sẽ có nhãn hàng hóa khác nhau, nhãn hàng hóa chính là nhãn sản phẩm được dùng trong đăng ký chất lượng sản phẩm. Còn nhãn hiệu được dùng chung cho toàn bộ hay một loại hàng hóa, dịch vụ của một chủ sở hữu khi đã đăng ký bảo hộ, ngay cả khi những loại hàng hóa, dịch vụ này không liên quan đến nhau.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer