Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ sử dụng các nền nhạc của các nhạc sĩ, chế lời khác và đăng các video trên các trang mạng xã hội như Youtube, Facebook…. Vậy hành vi này có vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc có thêm những kiến thức về quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm âm nhạc.

                                                        Ảnh minh họa: Nguồn Internet

 

1. Một số quy định về quyền tác giả đối với tác phẩm ẩm nhạc

1.1 Như thế nào là tác phẩm âm nhạc?

Căn cứ Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ thì “Tác phẩm là một sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực như văn học, nghệ thuật và khoa học. Nó được thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào” Tác phẩm âm nhạc là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác có hoặc không có lời và là loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Ngoài ra, Điều 10 Nghị định 22/2018/NĐ-CP nêu rõ: “Tác phẩm âm nhạc quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn”.

Như vậy, một tác phẩm dù chỉ được thể hiện bằng các nốt nhạc hoặc ký tự âm nhạc dù chỉ ghi trên giấy hay trên bất kỳ phương tiện nào hoặc được thể hiện qua bản ghi âm, ghi hình, dù có lời hay không có lời đã được coi là một tác phẩm âm nhạc.

Một điều cần lưu ý đó là quyền tác giả đối với tác phẩm phát sinh tại thời điểm tác phẩm sáng tạo được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định, không phân biệt tác phẩm đã công bố hoặc chưa công bố, đã đăng ký bảo hộ hoặc chưa đăng ký bảo hộ.

Chủ sở hữu tác phẩm có quyền đăng ký tác phẩm thuộc sở hữu của mình tại cơ quan bản quyền tác giả của Nhà nước để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.

Việc đăng ký bản quyền tác giả cũng không bắt buộc. Tuy nhiên, nếu tác giả sáng tạo đăng ký tác phẩm với Cục Bản quyền tác giả thì không có nghĩa vụ phải chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại.

Ngoài ra, Luật sở hữu trí tuệ cũng quy định thêm về tác phẩm phái sinh. Được hiểu là  các tác phẩm được dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn. Như vậy, một tác phẩm âm nhạc được giữ nguyên các nốt nhạc và giai điệu nhưng thay đổi lời bài hát thì được gọi là tác phẩm phái sinh vì tác phẩm âm nhạc này đã được cải biên từ tác phẩm gốc.

1.2 Về bảo hộ tác phẩm âm nhạc

Cũng tại Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ nêu rõ “Quyền tác giả là quyền của cá nhân, tổ chức đối với tác phẩm do chính mình sáng tạo ra hoặc thuộc sở hữu”. Quyền tác giả được pháp luật bảo hộ bao gồm quyền tài sản và quyền nhân thân.

Khi một tác phẩm được bảo hộ về quyền nhân thân thì tác giả được pháp luật bảo hộ trong việc đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Ngoài ra, pháp luật cũng bảo hộ tác giả trong việc độc quyền hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền tài sản đối với tác phẩm của mình như làm tác phẩm phái sinh; biểu diễn tác phẩm trước công chúng; sao chép tác phẩm; phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính. Bất kỳ tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền trên và công bố tác phẩm  này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

1.3 Chỉ có tác giả mới là chủ sở hữu quyền tác giả?

Căn cứ Điều 36 Luật Sở hữu trí tuệ thì “Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này.” Như vậy, theo quy định này thì việc xác định ai là chủ sở hữu quyền tác giả không căn cứ vào việc ai là người trực tiếp tạo ra tác phẩm mà dựa vào việc có hay không có quyền tài sản đối với tác phẩm đó. Do đó, không chỉ tác giả mà các tổ chức/cá nhân không trực tiếp tạo ra sản phẩm vẫn được coi là chủ sở hữu quyền tác giả nếu họ có các quyền tài sản đối với tác phẩm đó. Chủ sở hữu quyền tác giả có thể bao gồm:

+ Tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm

+ Các đồng tác giả sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để cùng sáng tạo ra tác phẩm

+ Tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả sáng tác tác phẩm

+ Tổ chức, cá nhân được thừa kế quyền tác giả theo quy định của pháp luật về thừa kế

+ Tổ chức, cá nhân được chuyển giao một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản theo thỏa thuận trong hợp đồng

+ Nhà nước đối với các tác phẩm khuyết danh; tác phẩm còn trong thời hạn bảo hộ mà chủ sở hữu quyền tác giả chết không có người thừa kế;  người thừa kế từ chối nhận di sản hoặc không được quyền hưởng di sản; tác phẩm được chủ sở hữu quyền tác giả chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước.

1.4 Thời gian bảo hộ

Căn cứ Điểm b Khoản 2 Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ thì thời hạn bảo hộ đối với quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết. Trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ 50 năm sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.

Như vậy, nếu thời hạn bảo hộ tác phẩm này đã hết, tổ chức, cá nhân khác có thể sử dụng tác phẩm này mà không cần phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao đối với chủ sở  hữu quyền tác giả.

2. Khi nào được viết lại lời bài hát trên nền nhạc của người khác?

Việc viết lại lời bài hát dựa trên tác phẩm âm nhạc đã công bố là việc sử dụng quyền tài sản của chủ sở hữu quyền tác giả, cụ thể là khai thác tác phẩm âm nhạc này làm tác phẩm phái sinh.

Khi tổ chức, cá nhân muốn sử dụng một tác phẩm âm nhạc đang trong thời hạn bảo hộ để viết lại lời mới mà không xin phép chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả, dù trong bài hát đó có ghi nhạc của tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả, lời của tổ chức, cá nhân viết lại lời bài hát thì đây vẫn là một hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Một trong những hành vi xâm phạm quyền tác giả được liệt kê tại Khoản 7 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ nêu rõ: “Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị”.

Vì vậy, trừ khi chuyển lời bài hát sang ngôn ngữ khác cho người khiếm thị thì không phân biệt tác phẩm phái sinh được sử dụng vào mục đích nào, trường hợp muốn viết lại lời bài hát và sử dụng nền nhạc của bài hát đã được bảo hộ thì phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả đối với bài hát này. Vậy nên, cách tốt nhất để các tổ chức, cá nhân muốn viết lại lời bài hát mà không xâm phạm quyền tác giả là phải có được văn bản cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả trước khi bạn sử dụng hay khai thác tác phẩm đó.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer