Bạn Ngọc Diệp (Hà Nội) có câu hỏi: Vừa qua, hàng xóm của em bị mất trộm tài sản, vì gia đình em có lắp camera ngoài ngõ nên biết được thủ phạm. Tên trộm là người cùng xóm, đã từng đi tù và lại nghiện hút nên mọi người trong xóm dù nhiều lần bị mất đồ nhưng không dám tố cáo, sợ bị trả thù. Sự thật là cũng đã có người trong xóm bị hắn đánh để trả thù rồi nên em rất sợ. Tuy nhiên, nếu cứ để tình trạng này xảy ra thì sẽ ảnh hưởng xấu đến những hộ gia đình khác. Vì vậy em muốn hỏi, nếu em tố giác tội phạm thì pháp luật có những quy định nào để bảo vệ những người tố giác như em ạ?

Nguồn ảnh: Internet

Trả lời:

Cảm ơn Ngọc Diệp đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Người tố giác tội phạm, báo tin, người làm chứng là những người có vai trò rất quan trọng, góp phần giúp cơ quan điều tra nhanh chóng phá án, bắt kẻ phạm tội bằng những lời khai, cung cấp thông tin, manh mối quan trọng của vụ án. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ, pháp luật hiện hành, cụ thể tại chương XXXIV của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã có những quy định rõ ràng về vấn đề này.

  1. Đối tượng được pháp luật bảo vệ trong tố tụng hình sự là ai?

Giải đáp thắc mắc của bạn, chúng tôi xin đưa ra căn cứ pháp lí về những đối tượng được pháp luật bảo vệ trong tố tụng hình sự được quy định tại khoản 1 điều 484 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 như sau:

- Người tố giác tội phạm;

- Người làm chứng;

- Bị hại;

- Người thân thích của người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại.

2. Quyền lợi và nghĩa vụ của người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người thân của họ.

a) Quyền lợi được quy định tại khoản 2 Điều 484 như sau:

- Đề nghị được bảo vệ;

- Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ;

- Được biết về việc áp dụng biện pháp bảo vệ; đề nghị thay đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp bảo vệ;

- Được bồi thường thiệt hại, khôi phục danh dự, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp trong thời gian bảo vệ.

b) Nghĩa vụ được quy định tại khoản 3 điều 484 như sau:

- Chấp hành nghiêm chỉnh các yêu cầu của cơ quan bảo vệ liên quan đến việc bảo vệ;

- Giữ bí mật thông tin bảo vệ;

- Thông báo kịp thời đến cơ quan có trách nhiệm bảo vệ về những vấn đề nghi vấn trong thời gian được bảo vệ.

3. Thẩm quyền ra quyết định áp dụng các biện pháp bảo vệ?

Thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ thuộc về các cơ quan, cá nhân được quy định tại điều 485 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

- Cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ gồm:

  • Cơ quan điều tra của Công an nhân dân;
  • Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân.

- Người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ gồm:

Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra của Công an nhân dân có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người được bảo vệ trong các vụ việc, vụ án hình sự do cơ quan mình thụ lý, giải quyết, điều tra hoặc theo đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp; đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

Trong trường hợp nếu xét thấy cần áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người được bảo vệ thì Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp đề nghị Cơ quan điều tra trực tiếp thụ lý vụ án hình sự ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người được bảo vệ. Đề nghị phải được thể hiện bằng văn bản.

4. Các biện pháp bảo vệ

Khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại do việc cung cấp chứng cứ, tài liệu, thông tin liên quan đến tội phạm thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng quyết định áp dụng những biện pháp được quy định tại điều 486 của Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 sau đây:

- Bố trí lực lượng, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện khác để canh gác, bảo vệ;

- Hạn chế việc đi lại, tiếp xúc của người được bảo vệ để bảo đảm an toàn cho họ;

Giữ bí mật và yêu cầu người khác giữ bí mật các thông tin liên quan đến người được bảo vệ;

- Di chuyển, giữ bí mật chỗ ở, nơi làm việc, học tập; thay đổi tung tích, lý lịch, đặc điểm nhân dạng của người được bảo vệ, nếu được họ đồng ý;

- Răn đe, cảnh cáo, vô hiệu hóa các hành vi xâm hại người được bảo vệ; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại theo quy định của pháp luật;

- Các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của pháp luật.

Trên đây là các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ những người tố giác tội phạm, người làm chứng như bạn. Để có thể được áp dụng các biện pháp bảo vệ nêu trên, bạn cần làm văn bản đề nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ đối với mình. Văn bản đề nghị cần có các nội dung chính như sau:

- Ngày, tháng, năm

- Tên, địa chỉ của người đề nghị

- Lý do và nội dung đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ

- Chữ ký hoặc điểm chỉ của người đề nghị. Trường hợp đề nghị của cơ quan, tổ chức thì người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó ký tên và đóng dấu.

Trường hợp khẩn cấp, người được bảo vệ trực tiếp đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc thông qua phương tiện thông tin liên lạc nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản đề nghị. Cơ quan, người có thẩm quyền nhận được đề nghị, yêu cầu phải lập biên bản và đưa vào hồ sơ bảo vệ. Cơ quan điều tra phải kiểm tra căn cứ, tính xác thực của đề nghị, yêu cầu bảo vệ. Trường hợp xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ thì phải giải thích rõ lý do cho người đã yêu cầu, đề nghị biết.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục có gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer