Quyền yêu cầu phản tố của bị đơn được quy định tại điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:

“1. Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

2. Yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập được chấp nhận khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;

b) Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;

c) Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.

3. Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.”

1. Phản tố là gì?

Phản tố có thể được hiểu là việc bị đơn khởi kiện lại nguyên đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập nhằm để bù trừ nghĩa vụ, khấu trừ nghĩa vụ hoặc loại trừ toàn bộ hoặc một phần nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

Về bản chất, yêu cầu phản tố cũng là yêu cầu khởi kiện, do đó, có thể khởi kiện bằng vụ án độc lập. Nhưng vì yêu cầu này có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ của bị đơn đối với nguyên đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án đang được giải quyết và nhằm làm cho vụ án được giải quyết chính xác, nhanh chóng hơn nên bị đơn có quyền yêu cầu giải quyết trong cùng vụ án.

Trong trường hợp, nếu nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện của mình, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan rút yêu cầu độc lập thì yêu cầu phản tố của bị đơn vẫn được tiếp tục. Khi đó, Tòa án sẽ ban hành quyết định đình chỉ yêu cầu khởi kiện, yêu cầu độc lập. Sau đó, Tòa án sẽ ra thông báo thay đổi địa vị tố tụng cho đúng với tư cách tham gia tố tụng của các đương sự trong vụ án.

2. Thời điểm đưa ra yêu cầu phản tố

Căn cứ khoản 1 Điều 200 BLTTDS 2015 thì cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Đồng thời, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

Theo đó, bị đơn chỉ được đưa ra yêu cầu phản tố từ khi nhận được thông báo thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếm cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Tuy nhiên, thời điểm bắt đầu của yêu cầu phản tố đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập sẽ muộn hơn. Bởi, yêu cầu độc lập chỉ được đưa ra sau khi người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan biết việc Tòa án đang giải quyết vụ án và họ được đưa vào tham gia tố tụng trong cùng vụ án.

3. Điều kiện của yêu cầu phản tố

Căn cứ khoản 2 Điều 200 BLTTDS 2015, để yêu cầu phản tố được Tòa án chấp nhận giải quyết trong cùng một vụ án  thì yêu cầu đó phải đảm bảo một trong các điều kiện sau:

+ Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liện quan có yêu cầu độc lập;

+ Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

+ Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.

Theo hướng dẫn tại Điều 12 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao như sau:

- Được coi là yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập nếu yêu cầu đó độc lập, không cùng với yêu cầu mà nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập yêu cầu Toà án giải quyết.

- Chỉ coi là ý kiến của bị đơn mà không phải là yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập nếu bị đơn có yêu cầu cùng với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập (như yêu cầu Toà án không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập hoặc chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập).

- Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là trường hợp bị đơn có nghĩa vụ đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập cũng có nghĩa vụ đối với bị đơn; do đó, bị đơn có yêu cầu Toà án giải quyết để bù trừ nghĩa vụ mà họ phải thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

- Yêu cầu phản tố của bị đơn dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố lại đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và nếu yêu cầu đó được chấp nhận, thì loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vì không có căn cứ.

- Có sự liên quan giữa yêu cầu phản tố của bị đơn và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là trường hợp hai yêu cầu này có mối quan hệ với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án, thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh chóng hơn.

Như vậy, phản tố là quyền của bị đơn trong vụ án dân sự, được bị đơn đưa ra nhằm khởi kiện ngược lại người đã kiện mình nhưng được xem xét, giải quyết cùng với đơn khởi kiện của nguyên đơn, và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án vì việc giải quyết yêu cầu của hai bên có yêu cầu chặt chẽ với nhau.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer