BLTTDS quy định về kháng cáo quá hạn nhằm hạn chế được tình trạng lợi dụng kháng cáo quá hạn trong việc trì hoãn, gây cản trở cho việc thi hành bản án, việc ấn định thời hạn kháng cáo quá hạn cũng góp phần giúp công lý được sớm thực thi, quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án được bảo vệ kịp thời và càng củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống tư pháp. Vậy kháng cáo quá hạn có được chấp nhận theo quy định của BLTTDS 2015?

Ảnh minh họa: Internet

Căn cứ theo quy định tại Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định  về thời hạn kháng cáo như sau:

Điều 273. Thời hạn kháng cáo

1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.

2. Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của Bộ luật này.

3. Trường hợp đơn kháng cáo được gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được xác định căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận.”

Theo đó, thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án và thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày. Nếu trong thời hạn này mà đương sự không thực hiện quyền kháng cáo, mà hết thời hạn trên mới kháng cáo thì được coi là kháng cáo quá hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 275 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Thực tiễn giải quyết trường hợp này như sau:

Trường hợp 1: Bản án sơ thẩm đã hết thời hạn kháng cáo nhưng chưa kết thời hạn kháng nghị hoặc đã hết thời hạn kháng nghị nhưng chưa được thi hành án và có đương sự kháng cáo quá hạn bản án sơ thẩm.

Theo đó, nếu đương sự kháng cáo khi đã hết thời hạn kháng cáo, thời hạn kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp hoặc cấp trên trực tiếp thì khi đó bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật và có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, đương sự hoặc người được thi hành án chưa làm đơn yêu cầu thi hành án tại cơ quan thi hành án (Chưa tiến hành các thủ tục thi hành án) khi đó đương sự (hoặc người phải thi hành án) đến Tòa án cấp sơ thẩm để nộp đơn kháng cáo, sau khi Tòa án nhận đơn kháng cáo và xem xét thấy việc kháng cáo này thuộc trường hợp kháng cáo quá hạn thì yêu cầu đương sự tường trình việc kháng cáo quá hạn, nêu rõ lý do của việc kháng cáo quá hạn. Sau đó, Tòa án tiến hành thủ tục mở phiên họp xét kháng cáo quá hạn.

+ Trường hợp kháng cáo quá hạn này không thuộc trường hợp bất khả kháng mà nguyên nhân xuất phát từ đương sự cố tình trì hoãn gây cản trở cho việc thi hành án bằng việc kháng cáo quá hạn thì Tòa án cấp sơ thẩm vẫn chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp phúc thẩm để mở thủ tục xem xét kháng cáo quá hạn. Bộ luật tố tụng dân sự không quy định rõ thời hạn kháng cáo như thế nào được xem là kháng cáo quá hạn, hết thời hạn kháng cáo và còn trong thời hạn kháng nghị nếu kháng cáo mới được xem là kháng cáo quá hạn hay là bản án có hiệu lực trong thời hạn bao lâu nếu có đơn kháng cáo thì được xem là kháng cáo quá hạn?

Trường hợp 2: Bản án có hiệu lực pháp luật và cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền đã tiến hành việc thi hành bản án xong thì đương sự mới kháng cáo. Theo đó, có rất nhiều trường hợp bản án đã được thi hành án xong 2-3 năm khi đó đương sự mới làm đơn kháng cáo quá hạn gửi đến Tòa án cấp sơ thẩm thì trong trường hợp này phải xử lý như thế nào?

Vấn đề ở đây cần xác định thời hạn kháng cáo quá hạn bao lâu là hợp lý. Về vấn đề này cần phải đưa ra giải pháp về thời hạn kháng cáo quá hạn như:

+ “Thời hạn kháng cáo quá hạn” được ấn định dựa trên thời hạn xem xét giám đốc thẩm đối với bản án đã có hiệu lực pháp luật. Theo quy định thì trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị quy dịnh tại Điều 331 BLTTDS 2015 để đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

+ Có thể xem xét “Thời hạn kháng cáo quá hạn” dựa trên thời hạn thi hành án, Theo đó, thời hạn kháng cáo quá hạn áp dung theo quy định về thời hạn chuyển giao bản án/quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật đến cơ quan thi hành án. Theo khoản 1 Điều 28 Luật thi hành án dân sự quy định thời hạn Tòa án phải chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền là 30 ngày kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực và khoản 1 Điều 485 BLTTDS  năm 2015 thì quy định thời hạn chuyển giao là 01 tháng kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Nếu lấy mốc thời hạn cuối cùng của việc chuyển giao bản án có hiệu lực pháp luật để quy định về thời hạn cuối cùng của việc kháng cáo quá hạn thì bảo đảm được lợi ích hợp pháp của người được thi hành án. Tóm lại từ khi hết thời hạn kháng cáo của đương sự (không phải hết thời hạn kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát) đến khi hết thời hạn chuyển giao bản án cho thi hành án thì đương sự có 45 ngày để thực hiện việc kháng cáo quá hạn. Nếu quá thời hạn này mà đương sự mới kháng cáo thì tòa án sẽ trả lại đơn kháng cáo và tài liệu kèm theo đơn đồng thời tòa án không tiến hàn mở phiên họp xét kháng cáo quá hạn.

Tuy nhiên, hiện nay bộ luật Tố tụng dân sự vẫn chưa có quy định cụ thể về việc kháng cáo quá hạn làm tình trạng lợi dụng kháng cáo quá hạn để gây cản trở việc thi hành bản án. Do đó, việc đưa ra thời hạn kháng cáo quá hạn là rất cần thiết, góp phần giúp công lý sớm được thực thi theo quy định, bảo về quyền lợi hợp pháp của các đương sự.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            

"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếpSố 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Emailcongtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer