(NB&CL) Việc Trung tâm phát triển quỹ đất quận Hà Đông đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng khai thác tạm tại Khu Công viên văn hóa- vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông đã vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp, vì cho rằng bỏ chi phí đầu tư quá lớn và chưa kịp thu hồi vốn.

 

Bỏ chi phí đầu tư lớn… chưa thu hồi vốn

Theo tìm hiểu của phóng viên được biết, ngày 22/5/2015, UBND thành phố Hà Nội có văn bản số 3461/UBND- KH&ĐT chấp thuận cho UBND quận Hà Đông tổ chức quản lý sử dụng, tạm khai thác chống lấn chiếm đối với diện tích đất đã giải phóng mặt bằng thuộc khu đất quy hoạch xây dựng khu Công viên vui chơi giải trí quận Hà Đông.

doanh nghiep keu cuu vi bi chinh quyen don phuong cham dut hop dong hinh 1

Chính quyền ra thông báo yêu cầu doanh nghiệp dừng hoạt động tại khu đất khai thác tạm thuộc Khu công viên văn hóa - vui chơi, giải trí - thể thao.

Từ căn cứ trên, UBND quận Hà Đông đã giao Trung tâm phát triển quỹ đất trực tiếp quản lý, cho thuê khai thác tạm thời khu đất đã được GPMB dự kiến xây dựng công viên thể thao cây xanh và chấp thuận phương án chi tiết xây dựng khai thác tạm thời khu đất này.

Từ tháng 12/2015 đến tháng 7/2016, Trung tâm PTQĐ Hà Đông đã ký hợp đồng với 12 đơn vị khai thác tạm gồm Công ty CP Golf Quốc tế, Công ty CP Phát triển thể thao Hà Đông, Công ty CP Xây dựng Đức Thịnh, Công ty CP Đầu tư xây dựng Lũng Lô…

Theo đại diện các doanh nghiệp, sau khi ký hợp đồng thuê mặt bằng với Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Đông từ cuối tháng 12 năm 2015 đến nay được hơn 06 năm, nhưng nhận mặt bằng từ giữa năm 2016, phần lớn phải mất thêm hơn 01 năm với nhiều chi phí đầu tư, cải tạo mặt bằng, để có thể đưa vào khai thác, sử dụng các mặt bằng.

Tức đến khoảng giữa năm 2017, các công trình mới được đưa vào hoạt động, kinh doanh, sử dụng. Tuy nhiên, sau khi các doanh nghiệp đang dần hoạt động ổn định thì dịch COVID-19 đã khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mọi hoạt động của các doanh nghiệp gần như bị đình trệ trong suốt thời gian hơn 02 năm. Đặc biệt, một số doanh nghiệp có thời gian đầu tư, cải tạo dài như hệ thống sân tập golf, sân đá bóng và nhiều công trình khác chỉ hoạt động hiệu quả và đem lại doanh thu cho doanh nghiệp trong khoảng thời gian 02 năm trong khi các nhà đầu tư đã bỏ ra chi phí đầu tư rất lớn, hiện vẫn chưa thu hồi được vốn đầu tư.

Cũng theo các doanh nghiệp, trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng thuê mặt bằng, các doanh nghiệp khai thác tạm đã đóng góp cải tạo, xây dựng hạ tầng khu công viên từ một vùng đất hoang sơ, lầy lội thành một khuôn viên thể thao cây xanh sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu rèn luyện thể thao, nâng cao sức khỏe cho người dân ở quận Hà Đông nói riêng và TP. Hà Nội nói chung, cùng nhiều hoạt động mua sắm, dịch vụ thiết yếu khác (trong đó có cụm chợ với hàng trăm tiểu thương được thu gom từ các chợ cóc ở quận Hà Đông), góp phần chống lấn chiếm đất.

Đồng thời, 12 doanh nghiệp đã tuyển dụng, tạo công ăn việc làm cho cả nghìn người lao động, tiểu thương, tạo dựng và duy trì được một địa điểm rèn luyện thể thao lành mạnh, mua sắm lương thực, thực phẩm, hoa quả và các dịch vụ thiết yếu khác cho người dân trong khu vực.

Doanh nghiệp kêu cứu vì bị đơn phương chấm dứt hợp đồng

 

Tuy nhiên, ngày 21/10/2022, Trung tâm phát triển quỹ đất quận Hà Đông đã thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng khai thác tạm với 12 doanh nghiệp nêu trên.

Nội dung thông báo căn cứ Thông báo số 366/TB-VP ngày 24/6/2021 kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn tại cuộc họp xem xét quy hoạch chi tiết Khu Công viên văn hoá - vui chơi, giải trí thể thao quận Hà Đông, yêu cầu UBND quận Hà Đông dừng ngay việc tạm khai thác, cho thuê mặt bằng đất tại khu khai thác tạm Khu Công viên văn hoá - vui chơi, giải trí thể thao quận Hà Đông.

UBND quận Hà Đông đã có các văn bản số 223/TB-UBND ngày 12/7/2021; số 2161/UBND-VP ngày 15/7/2021, số 2559/UBND-VP ngày 16/8/2021, số 1145/UBND-VP ngày 21/5/2022 chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất dừng ngay việc tạm khai thác cho thuê mặt bằng khu đất, tổ chức thu hồi theo đúng quy định và chỉ đạo của UBND thành phố…

Qua đó, Trung tâm PTQĐ Hà Đông đã chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng với các doanh nghiệp và yêu cầu di chuyển toàn bộ người, tài sản công trình vật kiến trúc ra khỏi khu đất và bàn giao toàn bộ diện tích mặt bằng khu đất được thuê tại khu khai thác tạm quy hoạch Công viên văn hoá - vui chơi, giải trí thể thao quận Hà Đông về Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Đông.

Việc làm trên đã vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp, đồng thời  họ gửi đơn khẩn thiết đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được vận hành, khai thác tạm tại Dự án Khu công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông đến qua Tết Nguyên đán để đảm bảo công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư được thu hồi một phần vốn đầu tư…

Trước kiến nghị của các doanh nghiệp, các ban, ngành quận Hà Đông đã ban hành nhiều văn bản trả lời đơn thư, tổ chức nhiều hội nghị đối thoại (Biên bản Hội nghị làm việc với 12 doanh nghiệp ngày 18/11/2022, mới đây nhất là Biên bản ngày 2/12/2022). Tuy nhiên, kết quả hội nghị chưa thống nhất được các nội dung giữa 2 bên.

Một động thái khác từ phía chính quyền khi sáng 10/12 vừa qua, lực lượng liên ngành của UBND quận Hà Đông đã tiến hành dựng hàng rào tôn quanh khu đất 52,87ha thuộc Khu Công viên văn hóa - vui chơi, giải trí - thể thao, trên địa bàn phường Kiến Hưng và Hà Cầu.

Lực lượng chức năng đã dựng biển thông báo “khu vực dừng hoạt động” ở bên ngoài khu đất. Toàn bộ khu đất được rào kín bằng hàng rào tôn, lực lượng chức năng chỉ bố trí 1 cổng để các đơn vị vận chuyển hàng hóa, tháo dỡ nhà xưởng di chuyển ra bên ngoài.

Còn theo đại diện các doanh nghiệp, họ vẫn tiếp tục gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng mong muốn được kéo dài thêm thời gian hoạt động qua Tết Nguyên đán để thu hồi thêm một phần vốn đã đầu tư.

Theo https://www.congluan.vn/doanh-nghiep-keu-cuu-vi-bi-chinh-quyen-don-phuong-cham-dut-hop-dong-post226829.html

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer