Nhà tôi và nhà ông A có hai mảnh ruộng gần nhau. Mỗi lần đến mùa trồng (gieo) lúa là ông A lại lấy cuốc, đào giường lấn sang phần ruộng nhà tôi. Tôi đã đề nghị ông A không được lấn ruộng nữa nhưng ông A vẫn cứ đào lấn sang năm này qua năm khác, chính vì thế mà hai bên đã xảy ra cãi vã, xô xát.  Tôi xin hỏi tôi phải làm thế nào để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình? Ông A sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt, theo thông tin bạn cung cấp chúng tôi tư vấn như sau:

Nếu khi bạn đã đứng ra nói chuyện yêu cầu ông A không được lấn chiếm đất nhưng ông A vẫn cố tình lấn chiếm thì bạn nên gửi đơn tới UBND cấp xã có thẩm quyền yêu cầu xác định mốc giới và có biện pháp xử lý đối với ông A.

Về hình thức xử phạt mà ông A phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 10, Nghị định 102/2004/NĐ-CP quy định về việc nghiêm cấm các hành vi lấn, chiếm hủy hoại đất đai.

“Điều 10. Lấn, chiếm đất

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.

4. Hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão và trong các lĩnh vực chuyên ngành khác.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;

b) Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này.”

Theo quy định viện dẫn trên thì mức phạt ông A phải chịu là từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng.

Còn đối với biện pháp khắc phục hậu quả thì ông A có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc trả đất đã lấn chiếm......Tùy theo từng trường hợp, mức độ vi phạm mà UBND cấp xã, cấp huyện sẽ có biện pháp xử lý áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp.

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:

Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 

E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer