Chào Luật sư. Tôi muốn được tư vấn việc sau:

Năm 2016, vì muốn vào lực lượng cảnh sát Hàn Quốc nên tôi buộc phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam (Yêu cầu để vào lực lượng cảnh sát là chỉ được mang quốc tịch Hàn). Tuy nhiên, tôi vẫn còn một mảnh đất ở Thanh Hóa được thừa kế từ mẹ ruột. Tôi được biết người nước ngoài không được sở hữu đất ở Việt Nam, vậy bây giờ tôi có thể sang tên cho anh em trong gia đình được không, và thủ tục như thế nào ạ? Tôi xin cảm ơn.

Hình ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Internet.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

  • Giả sử bạn đã đăng ký quyền sử dụng đất trước khi thôi quốc tịch

Vì bạn đã từ bỏ quốc tịch Việt Nam nên hiện tại bạn là người nước ngoài. Theo quy định của Luật Đất Đai 2013 thì người nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, cũng không có quy định nào tước bỏ quyền sử dụng đất đã cấp cho công dân Việt Nam sau khi từ bỏ Quốc tịch. Do đó, bạn vẫn có thể ủy quyền cho người khác bằng văn bản để họ trông nom hoặc tạm sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước. Bạn cũng có đầy đủ quyền chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê, tặng cho, thừa kế, thế chấp quyền sử dụng mảnh đất đó.

  • Giả sử bạn được thừa kế nhưng chưa đăng ký quyền sử dụng đất

Trường hợp này, bạn không được cấp sổ đỏ nhưng nếu bạn muốn sang nhượng quyền sử dụng đất cho anh em trong gia đình, căn cứ tại khoản 3 Điều 186 Luật Đất đai cũng có quy định:

“Trường hợp tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều này thì người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế theo quy định sau đây:

a) Trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế được đứng tên là bên chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất;

b) Trong trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất thì người được tặng cho phải là đối tượng được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 179 của Luật này và phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở, trong đó người nhận thừa kế được đứng tên là bên tặng cho trong hợp đồng hoặc văn bản cam kết tặng cho;

c) Trong trường hợp chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng cho quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế hoặc người đại diện có văn bản ủy quyền theo quy định nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào Sổ địa chính.”

Như vậy, kể cả bạn không đứng tên, bạn vẫn có quyền chuyển nhượng hoặc tặng cho quyền sử dụng đất đó cho người khác.

Về thủ tục để chuyển quyền sử dụng đất cho anh/em trong gia đình, bạn có thể từ chối di sản thừa kế (phải lập thành văn bản và nên công chứng, chứng thực) hoặc lập hợp đồng tặng cho/hợp đồng chuyển nhượng. Tuy nhiên, Luật Sao Việt tư vấn cho bạn nên làm hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất vì hình thức này sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ.

Để nhận được ý kiến tư vấn và báo giá dịch vụ, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:

Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer