Năm 2016 bố mẹ em có vay của ngân hàng 1 tỷ đồng. Đồng thời có thế chấp bằng QSDĐ của hộ gia đình em nhưng chỉ có bố, mẹ em ký tên. Em và anh trai em (đều đã trên 18 tuổi) không ký vào hợp đồng thế chấp QSDĐ. Như vậy việc thế chấp trên có đúng pháp luật không?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Theo quy định của pháp luật, hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận QSDĐ; nhận chuyển QSDĐ.

Để xác định được việc thế chấp quyền sử dụng đất của hộ gia đình có cần sự đồng ý của các thành viên trong gia đình hay không, ta căn cứ vào Khoản 2 điều 212 BLDS năm 2015:

“2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.” 

Đồng thời tại Khoản 5 Điều 14 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT cũng có quy định như sau: “Người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự quy định tại Khoản 1 Điều 64 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP chỉ được thực hiện việc ký hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi đã được các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý bằng văn bản và văn bản đó đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.”.

Do đó, việc thế chấp QSDĐ của hộ gia đình phải được các thành viên đủ 18 tuổi đồng ý ký tên hoặc được các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý bằng văn bản và văn bản đó phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, nếu bố, mẹ bạn thế chấp QSDĐ mà chưa có sự đồng ý của hai anh em bạn, thì hợp đồng thế chấp QSDĐ này không có hiệu lực pháp luật.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt, bạn đọc nếu còn thắc mắc cần giải đáp, vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:

Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer