Tôi và nhà bà H ở cùng một khu, nhà bà H ở phía ngoài, nhà tôi ở phía trong nên phần cổng nhà tôi hiện nay là một phần đất vườn của nhà bà H trước đây. Tháng trước chúng tôi có xảy ra cãi vã, sau đó nhà bà H đã rào cổng nhà tôi và không cho chúng tôi đi lại bằng phần đất đó nữa. Cho tôi hỏi, bà H làm như vậy có đúng không? Giờ nhà tôi không có lối ra đường cái, tôi có thể kiện bà H để lấy lại lối đi hay không?

Ảnh minh hoa, nguồn: Internet

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho Luật Sao Việt, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Điều 254 BLDS năm 2015 quy định cho chủ sở hữu bất động sản được quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình lối đi (ngay cả trong trường hợp lối đi đã có nhưng không đủ để được coi là hợp lý).

Theo đó, khoản 1 Điều này quy định chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ. Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi. Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Điều 171 Luật Đất đai 2013 cũng có quy định về quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề như sau: Quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề bao gồm quyền về lối đi; cấp, thoát nước; tưới nước, tiêu nước trong canh tác; cấp khí ga; đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý trên thửa đất liền kề.

Dựa vào những quy định trên của pháp luật, nếu phần lối đi trên diện tích đất nhà bà H là lối đi thuận tiện và hợp lý nhất để gia đình bạn đi lại ra lối đi công cộng thì việc bà H không cho gia đình bạn sử dụng lối đi đó nữa là không đúng.

Vì vậy, bạn có thể yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định lối đi, nhưng đồng thời nếu gia đình bạn không thỏa thuận lại được với gia đình bà H thì bạn vẫn sẽ phải đền bù cho nhà bà H.

Trên đây là những giải đáp sơ bộ của Luật Sao Việt, để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:

Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 

E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer