Bố mẹ tôi có 2 người con trai là anh Long và tôi (Sơn). Trong quá trình chung sống đã tạo lập được khối tài sản chung là 2 mảnh đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ Đỏ). Hai thửa đất lần lượt là M1, M2.

Bố mẹ thống nhất cho hai anh em cả 2 thửa đất trên, chia đều mỗi người ½ mảnh đất: Anh Long được hưởng ½ mảnh M1, M2; tôi cũng được hưởng ½ mảnh M1 và M2 nhưng chưa làm văn bản tặng cho.

Sau khi được cho đất, tôi đã xây nhà trên phần đất đã được bố mẹ cho để cưới vợ. Sau đó vợ chồng tôi cùng các con đã sinh sống ổn định trên mảnh đất này từ năm 2003. Đến năm 2013, bố mẹ mới thực hiện thủ tục làm văn bản tặng cho QSDĐ (công chứng) cho hai anh em tôi mỗi người một nửa đối với mảnh đất thứ nhất.

Năm 2016, do có nhu cầu sử dụng toàn bộ thửa đất thứ hai nên anh Long đã thoả thuận với tôi mua 02 mảnh đất khác có giá trị tương đương với phần giá trị mảnh đất của tôi được hưởng ở mảnh đất thứ hai để trao đổi.

Mảnh đất thứ nhất (A1): Anh Long mua của anh Linh, nhưng tôi là người đứng tên trên  hợp đồng mua bán.

Mảnh đất thứ hai (A2): Anh Long ra văn phòng công chứng X để làm hợp đồng tặng cho tôi, tuy nhiên văn phòng công chứng trả lời rằng: Anh em ruột không được tặng cho nhau quyền sử dụng đất nên chúng tôi đã làm hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ

Hiên nay, do mâu thuẫn vợ chồng nên tôi quyết định ly hôn.Vậy vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng tôi khi ly hôn sẽ giải quyết như thế nào thưa Luật sư?

Trả lời:

Cảm ơn khách hàng đã tin tưởng và gửi vụ việc đang gặp phải đến Công  ty Luật TNHH Sao Việt. Với vụ việc của bạn, Luật sư giải đáp như sau:

- Đối với mảnh M1, năm 2013, anh em bạn đã được bố mẹ lập Văn bản tặng cho QSDĐ (có công chứng theo quy định) nên bạn có cơ sở hợp pháp chứng minh ½ thửa M1 là tài sản riêng của bạn do được bố mẹ tặng cho riêng

- Đối với mảnh M2 và 02 mảnh đất A1, A2 mà anh Long đã mua cho bạn để thay thế, trao đổi lấy phần đất M2 bạn được bố mẹ cho:

+ Phương án 1: Bạn được quyền sở hữu QSDĐ đối với ½ thửa M2, ½ mảnh A1 và ½ mảnh A2 do:

 Việc anh Long để bạn đứng tên trên hợp đồng mua bán thửa đất A1 và lập hợp đồng chuyển nhượng có công chứng đối với thửa đất A2 (đây đã là là giao dịch hợp pháp). Vì vậy, nếu anh Long không chứng minh được có việc đổi đất, bố mẹ bạn đồng ý cho mỗi người một nửa thì bạn có quyền sử dụng ½ thửa đất M2.

Đồng thời, bạn cũng có quyền sử dụng đối với ½ thửa A1, và ½ thửa A2, mặc dù chỉ mình bạn đứng tên Bên Mua (Bên nhận chuyển nhượng) trên các Hợp đồng mua bán/chuyển nhượng QSDĐ (không có tên của vợ bạn) nhưng vì được lập trong thời kỳ hôn nhân nên về nguyên tắc, đây được xem là tài sản chung của vợ chồng, vợ chồng bạn mỗi người sẽ được quyền sử dụng đối với ½ các thửa A1, A2. Bên nào cho rằng đây là tài sản riêng thì phải chứng minh. Do đó, trong trường hợp này, việc lập Văn bản tặng cho QSDĐ sẽ hạn chế rủi ro hơn việc lập Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ bởi khi được tặng cho riêng, bạn sẽ được quyền sở hữu toàn bộ QSDĐ.

+ Phương án 2: Bạn sẽ được sở hữu toàn bộ cả hai thửa đất A1, A2 nhưng không có quyền sở hữu đối với ½ mảnh M2 do:

Căn cứ về nguồn gốc đất, trường hợp có cơ sở chứng minh có việc bạn đồng ý đổi ½ thửa M2 để lấy các thửa A1, A2 (hai thửa công lại có diện tích tương đương/bằng ½ thửa M2) mà nguồn gốc đất M2 lại xuất phát từ việc bố mẹ cho hai anh em. Do đó, về mặt bản chất, các thửa A1, A2 sẽ là tài sản riêng của bạn do có nguồn gốc từ việc hoán đồi đất được bố mẹ tặng cho riêng. Với trường hợp này, bạn có quyền sở hữu toàn bộ thửa A1, A2 và không còn quyền sở hữu QSDĐ đối với ½ thửa đất M2 của bố mẹ đã cho bạn do bạn đã đồng ý đổi đất. Theo đó, vợ bạn sẽ không được phân chia tài sản là QSDĐ của 02 thửa đất A1 và A2.

- Đối với nhà ở, công trình trên thửa đất M1 bố mẹ bạn xây dựng cho vợ chồng bạn tại thời điểm năm 2003 nếu được hình thành trong thời kỳ hôn nhân (kể từ khi vợ chồng có đăng ký kết hôn), đây được xem là tài sản chung của vợ chồng, vợ bạn có quyền hưởng ½ khối tài sản này.

Bên cạnh đó, sau khi các bên đưa ra được cơ sở chứng minh mình có Quyền sử dụng đất/Quyền sở hữu nhà đất, một điều cần lưu ý là tài sản chung của vợ chồng bên cạnh việc xác định theo nguyên tắc chia đôi còn được Tòa án xem xét đến công sức đóng góp vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung để quyết định tỷ lệ phân chia.

Như vậy, việc xây dựng chứng cứ chứng minh công sức đóng góp, tôn tạo đối với tài sản chung vợ chồng để Tòa án xem xét, xác định tỷ lệ phân chia tài sản là vấn đề pháp lý quan trọng cần phải trú trọng chứng minh.

Nguyên tắc này đã được Tòa án các cấp khi xét xử giải quyết yêu cầu phân chia tài sản chung của vợ chồng trú trọng áp dụng:

  • Quyết định số 03/2018/QĐST-DS ngày 07/11/2018 của TAND huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang về việc dân sự yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung của vợ chồng.

+ Trích dẫn nội dung: Xét nguồn gốc hình thành khối tài sản chung nêu trên giữa bà Đỗ Thị H và ông Hoàng Đình T thấy rằng ông T, bà H tạo lập được tài sản do lao động, ông T là cán bộ có mức thu nhập ổn định từ lương, tại biên bản xác minh với Hạt kiểm lâm huyện Q, tỉnh Hà Giang ngày 19/7/2017(cơ quan nơi ông T công tác)và bảng thanh toán lương tháng 7/2017do Hạt kiểm lâm huyện Q cung cấp, mức lương của ông Hoàng Đình T là  15.704.300đ/ tháng, còn bà H làm công việc nhà và chăn nuôi nhỏ có mức thu nhập khoảng từ2.000.000 đ/ tháng đến 3.000.000đ/tháng. Xét về thu nhập thực tế và lao động của bà Đỗ Thị H trong gia đình cũng được coi là lao động có thu nhập thì công sức đóng góp của bà Đỗ Thị H trong khối tài sản chung ít hơn ông Hoàng Đinh T theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 59 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Như vậy có đủ căn cứ để xác định phần quyền sở hữu tài sản của bà Đỗ Thị H là 2/5 giá trị trong khối tài sản chung với ông T”

+  Kết quả giải quyết: “Bà Đỗ Thị H được hưởng 2/5 và ông Hoàng Đình T được hưởng 3/5 tài sản chung”

  • Quyết định giám đốc thẩm số 23/2021/HNGĐ-GĐT ngày 13/5/2021 của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh về vụ án hôn nhân gia đình “Yêu cầu xác định tài sản riêng và tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn” tại Thành phố Hồ Chí Minh giữa nguyên đơn là ông Lại Văn N với bị đơn là bà Nguyễn Thị T.

+ Trính dẫn nội dung: “Quyền sử dụng đất là tài sản riêng của chồng (hoặc vợ), nhưng trong quá trình chung sống người vợ (hoặc chồng) có tham gia vào việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước để xin thay đổi mục đích sử dụng đất, làm cho giá trị quyền sử dụng đất được tăng lên trong thời kỳ hôn nhân”.

“Đối với quyền sử dụng đất tại địa chỉ số 1583 đường 10 và số 13 đường V trước đây chủ yếu là đất nông nghiệp, chỉ có 215m2 đất ở (theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông N năm 2005). Quá trình chung sống, ông N, bà T cùng tạo lập tài sản trên đất. Hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2016 thể hiện: hiện nay toàn bộ diện tích đất 1.625,9m2 của 02 thửa đất tranh chấp đều đã được công nhận là đất ở tại đô thị. Như vậy, mục đích sử dụng đất được công nhận hiện nay đã có sự thay đổi; giá trị quyền sử dụng đất đã được tăng lên trong thời kỳ hôn nhân của ông N, bà T. Việc tăng thêm giá trị quyền sử dụng đất có được là do quá trình quản lý, tôn tạo của cả hai vợ chồng, trong đó có việc cùng thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước để xin thay đổi mục đích sử dụng đất. Vì vậy, Hội đồng giám đốc thẩm xét thấy cần xem xét công sức của bà T trong việc đóng góp, tôn tạo, bảo quản làm tăng giá trị quyền sử dụng đất”. Từ đó tuyên hủy bản án phúc thẩm để xét xử lại.

MỘT SỐ LƯU Ý PHÂN CHIA TÀI SẢN CHUNG CỦA VỢ CHỒNG KHI LY HÔN

Bạn đọc xem tại ĐÂY 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer