Tôi làm việc ở công ty sản xuất giày da được 4 năm. Hiện tại tôi đang trong thời gian nghỉ thai sản thì nhận được tin bị công ty sa thải vì trong thời gian mang thai trước đó tôi đã đi muộn quá số buổi cho phép. Tôi có tham khảo trên mạng thì thấy trong thời gian lao động nữ nghỉ thai sản, công ty không được kỷ luật sa thải. Vậy xin hỏi với trường hợp của tôi bị công ty kỷ luật sa thải thì công ty có bị phạt không, và tôi có thể khiếu nại quyết định sa thải của công ty không?
Trả lời:
Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
Để bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, tại khoản 3 Điều 37, điểm d khoản 4 Điều 122, khoản 3 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 đã quy định:
- Người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động đang nghỉ thai sản.
- Người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian nghỉ thai sản bằng hình thức kỷ luật sa thải.
- Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
Do đó, việc công ty áp dụng hình thức kỷ luật sa thải đối với bạn – là người lao động đang trong thời gian nghỉ thai sản là hoàn toàn trái luật. Khi đó, công ty sẽ phải chịu chế tài xử phạt hành chính theo Điểm i, Khoản 2, Điều 28 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP như sau:
“2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
i) Sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. (Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP).
Ngoài ra, Công ty còn buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định gồm: Buộc nhận người lao động trở lại làm việc và trả đủ lương cho NLĐ tương ứng với số ngày nghỉ việc do bị sa thải.
Vì vậy, với trường hợp của bạn, khi bị công ty sa thải trong thời gian nghỉ thai sản, bạn có thể khiếu nại quyết định sa thải của ban giám đốc công ty.
Theo khoản 1 Điều 5 và khoản 1 Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP quy định khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của NSDLĐ là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì NLĐ thực hiện khiếu nại lần đầu đến NSDLĐ. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Đối với NLĐ ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Như vậy, theo quy định trên thì khi có căn cứ cho rằng quyết định của giám đốc công ty là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của bạn, trước tiên bạn cần khiếu nại lần đầu lên Ban giám đốc công ty để được thụ lý giải quyết.
Nếu như bạn không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu của Ban giám đốc công ty hoặc đã hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà khiếu nại không được giải quyết thì lúc đó bạn mới có quyền khiếu nại lên Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi công ty bạn đặt trụ sở chính để yêu cầu giải quyết khiếu nại lần hai.
Lưu ý:
Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu có hiệu lực pháp luật trong trường hợp sau:
- Sau 30 ngày kể từ ngày ban hành quyết định mà người khiếu nại không khiếu nại lần hai hoặc không khởi kiện vụ án tại Tòa án
- Sau 45 ngày kể từ ngày ra quyết định mà người khiếu nại không khiếu nại lần hai hoặc không khởi kiện vụ án tại Tòa án đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn.\
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com