Tâm lý chung của bất kỳ người lao động nào đi làm đều rất mong chờ và quan tâm đến tiền lương của mình, bởi tiền lương chính là khoản thu nhập chính giúp họ và gia đình có thể duy trì cuộc sống. Vì vậy, khi có thông tin dự kiến tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 01/07/2022, nhiều người lao động băn khoăn không biết bản thân có thuộc diện được tăng lương hay không, nếu có sẽ được tăng bao nhiêu tiền. Trường hợp doanh nghiệp cố tình không tăng lương, người lao động phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Ảnh minh họa: Internet

1, Thế nào là lương tối thiểu vùng?

Hiện nay lương tối thiểu vùng được quy định tại Điều 91 Bộ Luật lao động 2019Nghị định 90/2019/NĐ-CP, theo đó:

- Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

- Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ. Do đó, tùy theo từng thời điểm, từng vùng mức lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh khác nhau

- Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

- Tiền lương tối thiểu vùng sẽ do Chính phủ quyết định và công bố trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.

2, Lương tối thiểu vùng hiện nay là bao nhiêu?

Quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp hiện nay như sau:

+ Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.

+ Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.

+ Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.

+ Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

3, Quy định về tiền lương của người lao động

Căn cứ theo Khoản 1 và khoản 2 Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019:

Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm:

+ Mức lương theo công việc hoặc chức danh: điều kiện đối với mức lương này là không được thấp hơn mức lương tối thiểu

+ Phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Như vậy, mức lương tối thiểu mà doanh nghiệp trả cho người lao động (chưa bao gồm phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác) phải ít nhất bằng mức lương tối thiểu vùng được công bố. Ví dụ: người lao động ở vùng 1, doanh nghiệp phải chi trả lương ( chưa tính phụ cấp và khoản bổ sung khác) thấp nhất bằng 4.420.000 đồng/tháng,…

4, Đối tượng nào được tăng lương khi lương tối thiểu vùng tăng 6%?

Nếu đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% được thông qua, mức lương tối thiểu vùng được áp dụng như sau:  

Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc

Mức lương tối thiểu vùng hiện nay

Mức lương tối thiểu vùng từ 01/7/2022

Mức tăng

Vùng I

4,42 triệu đồng/tháng

4,68 triệu đồng/tháng

260.000 đồng

Vùng II

3,92 triệu đồng/tháng

4,16 triệu đồng/tháng

240.000 đồng

Vùng III

3,43 triệu đồng/tháng

3,63 triệu đồng/tháng

210.000 đồng

Vùng IV

3,07 triệu đồng/tháng

3,25 triệu đồng/tháng

180.000 đồng

 

Trên cơ sở quy định về tiền lương tại MỤC 3, doanh nghiệp có trách nhiệm điều chỉnh lương cho người lao động sao cho mức lương của người lao động không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Khi đó, tùy thuộc vào tương quan giữa mức lương hiện tại của người lao động và lương tối thiểu vùng, sẽ có 2 trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Doanh nghiệp bắt buộc phải tăng lương cho người lao động

Áp dụng với các trường hợp người lao động có mức lương (không gồm phụ cấp) thấp hơn lương tối thiểu: ví dụ người lao động ở vùng 1 có mức lương < 4,68 triệu đồng/tháng, người lao động ở vùng 2 có mức lương < 4,16 triệu đồng/tháng….

Trường hợp 2: Doanh nghiệp không có trách nhiệm phải tăng lương

Áp dụng với các trường hợp người lao động được chi trả mức lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng

5, Doanh nghiệp không tăng lương, người lao động phải xử lý thế nào?

Bước 1: Xác định trường hợp của mình có thuộc diện được tăng lương hay không

Trước tiên người lao động phải đối chiếu với các quy định của luật, nội quy công ty để xác định xem trường hợp của mình có thuộc diện được tăng lương hay không. Như đã phân tích ở trên, không phải người lao động nào cũng được tăng lương khi lương tối thiểu vùng tăng 6%. Thay vào đó chỉ những người lao động đang có mức lương thấp hơn lương tối thiểu vùng mới thuộc diện được tăng.

Bước 2: Nếu người lao động thuộc diện được tăng lương theo quy định trên nhưng người sử dụng lao động cố tình không điều chỉnh lương, khi đó, người lao động có thể bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách:

+ Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

+ Khiếu nại lên lãnh đạo công ty, công đoàn cơ sở

Nếu công ty vẫn không đáp ứng yêu cầu của bạn, bạn có thể gửi văn bản phản ánh lên Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội quận, huyện nơi công ty đặt trụ sở để yêu cầu giải quyết.

Với hành vi trả lương thấp hơn lương tối thiểu vùng được công bố, doanh nghiệp sẽ bị phạt hành chính theo khoản 3 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:

- Vi phạm từ 01 - 10 người lao động: Phạt  20 - 30 triệu đồng.

- Vi phạm từ 11 - 50 người lao động: Phạt  30 - 50 triệu đồng.

- Vi phạm từ 51 người lao động trở lên: Phạt 50 - 75 triệu đồng.

Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải trả đủ tiền lương và thêm một khoản tiền lãi cho người lao động.

Trường hợp hòa giải không thành hoặc quá thời hạn (5 ngày làm việc) mà không được giải quyết thì bạn có thể khởi kiện lên Tòa án nhân dân quận, huyện nơi công ty có trụ sở để bảo vệ quyền lợi của mình.

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer