Tôi ký hợp đồng lao động thời hạn 3 năm với 2 công ty quản lý môi trường đô thị. Công việc chủ yếu của tôi là nhân viên dọn vệ sinh văn phòng, chăm sóc cây cối. Do tôi ký hợp đồng lao động với công ty A trước nên được đóng BHXH ở đây. Công ty B ký sau nên tôi không đóng BHXH. Đến nay tôi đã sắp hết hạn HĐLĐ với công ty B. Vậy xin hỏi trường hợp này tôi có được nhận trợ cấp thôi việc ở công ty B không?

Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Bạn làm việc đồng thời ở 2 công ty (có 2 hợp đồng lao động) nên bảo hiểm xã hội của bạn sẽ được đóng theo Hợp đồng lao động bạn giao kết đầu tiên (công ty A). Với công ty B là đơn vị giao kết HĐLĐ sau nên không được đóng BHXH ở công ty này. Bạn đọc xem chi tiết tại Đây.

Khi đó, căn cứ theo khoản 3 Điều 168 Bộ luật lao động 2019: “Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Do bạn không thuộc diện được tham gia BHXH bắt buộc, BHTN ở công ty B nên bạn sẽ được công ty B chi trả thêm một khoản tiền tương ứng với tiền bạn đóng BHXH, BHTN bắt buộc.

 Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 quy định về trợ cấp thôi việc. Theo đó người lao động được nhận trợ cấp thôi việc nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

Điều kiện 1: Hợp đồng lao động chấm dứt thuộc các trường hợp
+ Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.
+ Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
+ Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
+ Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
+ Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.
+ Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

+ Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 của Bộ luật này.
+ Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật này.

Điều kiện 2: Người lao động đã làm việc thường xuyên cho doanh nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

Lưu ý: Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc = Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động - thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Điều kiện 3: Không thuộc trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên

>> Như vậy, chỉ cần đáp ứng 3 điều kiện nêu trên thì NLĐ sẽ được chi trả trợ cấp thôi việc. Với trường hợp của bạn, bạn không tham gia BHXH, BHTN ở công ty B nhưng đã tham gia ở công ty A, việc nhận trợ cấp thôi việc ở công ty B – công ty không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho bạn sẽ có 2 trường hợp như sau:

+ Trường hợp 1: Bạn được nhận trợ cấp thôi việc từ công ty B

Công ty B không đóng BHXH, BHTN cho bạn và hàng tháng công ty B cũng không trả thêm cho bạn một khoản tiền tương ứng với tiền đóng BHXH, BHTN thì khi hết hạn hợp đồng lao động, Công ty B có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho bạn.

+ Trường hợp 2: Bạn không được nhận trợ cấp thôi việc từ công ty B

Trường hợp 2 xảy ra khi hàng tháng, công ty B đã chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của bạn một khoản tiền cho bạn tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định. Khi đó công ty bạn không cần phải trả trợ cấp thôi việc nữa.

Tương tự với công ty A, nếu hàng tháng bạn đều được đóng BHTN cho đến khi hết hạn HĐLĐ thì bạn sẽ không được nhận trợ cấp thôi việc từ công ty A nữa

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer