Hiện nay, tình trạng vô sinh hiếm muộn ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa về độ tuổi người gặp phải. Để thỏa mãn nỗi niềm mong mỏi có con, nhiều cặp vợ chồng đã lựa chọn phương pháp mang thai hộ.

Mang thai hộ được hiểu là việc một người phụ nữ tự nguyện; không vì mục đích thương mại, giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm; sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

Dưới góc độ pháp lý, con sinh ra bằng phương pháp mang thai hộ được xác định là con chung của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ, tuy nhiên lại do một người khác trực tiếp thực hiện việc mang thai và sinh con trên thực tế. Điều này dẫn đến nhiều người không khỏi thắc mắc về chế độ thai sản đối với trường hợp mang thai hộ. Liệu người mang thai hộ hay người nhờ mang thai sẽ được hưởng chế độ thai sản? Chế độ thai sản trong trường hợp này có gì đặc biệt?

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, cả lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ đều thuộc trường hợp được hưởng chế độ thai sản:

“1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con….”

Điều kiện được hưởng chế độ thai sản: đã đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con (đối với người nhờ mang thai hộ)

Chế độ thai sản được hưởng:

          Đối với lao động nữ mang thai hộ:

Các chế độ thai sản mà lao động nữ mang thai hộ được hưởng được quy định tại Điều 3 Nghị định 115/2015/NĐ-CP gồm:

a) Khi sinh con

Về thời gian nghỉ sinh : + Được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến ngày giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá 6 tháng bao gồm cả thời gian trước và sau khi sinh. Thời gian nghỉ chế độ thai sản trước khi sinh không được quá 2 tháng.

+ Kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ hoặc kể từ khi đứa trẻ chết mà chưa nghỉ đủ 60 ngày thì lao động nữ sẽ được nghỉ cho đến khi đủ 60 ngày (tính cả những ngày lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hàng tuần).

Các khoản tiền được nhận:

+ Tiền trợ cấp một lần: Trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ mang thai hộ sinh con

+ Tiền thai sản: Công thức tính = Mức bình quân tiền lương tháng  x 06 tháng

Ngoài ra người lao động mang thai hộ còn được hưởng các chế độ khi mang thai bao gồm:

- Chế độ khi đi khám thai (xem thêm https://saovietlaw.com/linh-vuc-phap-ly-khac-1/quyen-loi-cua-lao-dong-nu-khi-nghi-kham-thai/)

- Chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý

b) Nghỉ dưỡng sức sau sinh: Khi hết thời hạn hưởng chế độ thai sản mà lao động nữ mang thai hộ sức khỏe chưa hồi phục trong vòng 30 ngày đầu làm việc thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe (thời gian nghỉ tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hàng tuần), trừ trường hợp lao động nữ chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước khi sinh con.

Đối với người chồng:

Khi lao động nữ mang thai hộ sinh con thì người chồng đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trong thời hạn 5 ngày làm việc.

Nếu vợ sinh phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi: được nghỉ 07 ngày.

Nếu vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày, sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc.

Nếu như vợ vừa sinh đôi vừa phải phẫu thuật: được nghỉ 14 ngày.

Thời gian người chồng được nghỉ chỉ trong khoảng 30 ngày đầu kể từ khi vợ sinh con.

          Đối với người nhờ mang thai hộ:

Chế độ thai sản đối với người nhờ mang thai hộ được quy định tại Điều 4 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, theo đó người mẹ nhờ mang thai hộ được:

- Được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản kể từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Nếu sinh đôi trở lên, tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ thêm 01 tháng. Mức hưởng chế độ thai sản tương tự với người mang thai hộ.

- Trợ cấp một lần cho mỗi con: bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ mang thai hộ sinh con trong trường hợp lao động nũ mang thai hộ không tham gia bảo hiểm xã hội hoặc không đủ điều kiện được nhận

- Các chế độ khác theo quy định.

 

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer