Trong quá trình làm việc, người lao động khó tránh khỏi những sai sót, vi phạm, tuy nhiên không phải bất cứ vi phạm nào, người sử dụng lao động cũng được phép áp dụng các biện pháp xử lý kỷ luật lao động. Cụ thể nếu người lao động vi phạm nội quy, quy chế của doanh nghiệp thường sẽ bị áp dụng các biện pháp xử lý kỷ luật như khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương, cách chức, sa thải. Song đối với những trường hợp chưa đủ căn cứ kết luận người lao động vi phạm nội quy, quy chế, phải cần thêm thời gian để điều tra, xác minh vi phạm thì khi đó, người sử dụng lao động không được áp dụng các biện pháp xử lý kỷ luật mà phải tạm đình chỉ công việc đối với người lao động.
1. Tạm đình chỉ công việc là gì?
Quy định về tạm đình chỉ công việc được ghi nhận tại Điều 128 Bộ luật lao động 2019, theo đó pháp luật không đưa ra khái niệm cụ thể về tạm đình chỉ công việc nhưng người dân có thể hiểu đây là biện pháp buộc người lao động phải ngừng việc tạm thời để điều tra, xác minh những hành vi vi phạm đối với các vụ việc phức tạp có liên quan đến người lao động.
2. Điều kiện tạm đình chỉ công việc đối với người lao động
Biện pháp tạm đình chỉ công việc chỉ được áp dụng khi có đầy đủ các yếu tố sau đây:
+ Vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp;
+ Xét thấy nếu để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh.
+ Sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên.
3. Thời hạn tạm đình chỉ công việc
Thời hạn tạm đình chỉ công việc đối với người lao động không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày.
4, Chế độ lương thưởng của người lao động khi bị tạm đình chỉ công việc
Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.
Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc trừ trường hợp có thỏa thuận khác
+ Trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.
+ Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.
5. Những vi phạm liên quan đến tạm đình chỉ công việc người lao động
Các hành vi vi phạm và mức xử phạt hành chính liên quan đến tạm đình chỉ công việc mà người sử dụng lao động có thể phải đối mặt được quy định tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
Hành vi vi phạm |
Mức phạt |
Căn cứ pháp lý |
- Không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc - Không trả đủ tiền lương cho người lao động cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động
|
Phạt tiền: + Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động; + Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động; + Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động; + Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động; + Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
|
Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP |
- Tạm đình chỉ công việc quá thời hạn theo quy định của pháp luật; - Trước khi đình chỉ công việc của người lao động, người sử dụng lao động không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc làm thành viên.
|
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng |
Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP |
Biện pháp khắc phục: Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương những ngày tạm đình chỉ công việc đối với người lao động. Lưu ý: Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm nêu trên áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân (khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ).
|
Xem thêm: Xử lý kỷ luật lao động - những điều cần phải biết!