Chào luật sư, nhờ luật sư tư vấn giúp tôi với. Chị gái tôi lấy chồng sinh được 3 cháu. Các cháu đã trưởng thành. Nay chị tôi đã qua đời nhưng không để lại di chúc và bố mẹ tôi vẫn còn sống. Hiện nay gia đình tôi (bố mẹ tôi, anh rể, 3 cháu) đang làm đơn khởi kiện chia thừa kế trong đó có 1 cháu đang du học ở nước ngoài không thể trở về. Vậy thì cháu ở nước ngoài không về có ảnh hưởng gì đến việc khởi kiện chia thừa kế không và gia đình tôi phải làm sao để việc phân chia di sản thừa kế đúng theo pháp luật? Xin cảm ơn luật sư!

Hình ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Internet.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi giải đáp như sau:
Căn cứ theo khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2019 quy định về hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật bao gồm:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

  1. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;…”

Như vậy, những người thừa kế của chị bạn bao gồm bố mẹ, chồng và 3 con. Người con đi du học ở nước ngoài cũng thuộc hàng thừa kế thứ nhất của chị bạn, nên cũng có tất cả các quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Về việc người con đang ở nước ngoài không thể trở về tham gia vụ kiện phân chia di sản thừa kế, bạn nên yêu cầu cháu làm giấy ủy quyền cho một người thân ở Việt Nam. Theo quy định tại Điều 55 Luật Công chứng, giấy ủy quyền cần phải được công chứng tại cơ quan đại diện ngoại giao ở nước cháu đang sinh sống (lãnh sự quán, đại sứ quán,…). Nội dung ủy quyền có thể là cho phép người được ủy quyền thay mặt, nhân danh cháu tham gia vụ kiện thừa kế, khai nhận di sản và quản lý di sản đó.

Lưu ý: Ngoài những người mất/hạn chế năng lực hành vi thì những người sau đây cũng không được làm người đại diện theo pháp luật để thay mặt cháu tham gia vụ kiện:
“1. Những người sau đây không được làm người đại diện theo pháp luật:

a) Nếu họ cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện;

b) Nếu họ đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với trường hợp đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.

3. Cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an không được làm người đại diện trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật”.

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:

Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 

E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer