Từ ngày 1/7 tới đây, các doanh nghiệp đều bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử, chỉ trừ một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh tại các địa bàn kinh tế khó khăn hoặc đặt biệt khó khăn, không thực hiện được giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử. Tuy nhiên, những doanh nghiệp nào sẽ phải sử dụng hóa đơn điện tử của cơ quan thuế và những doanh nghiệp nào đựơc sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế? Tham khảo ngay bài viết sau đây của Luật Sao Việt để có câu trả lời.

1. Những doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế

Các đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được quy định tại Điều 13 Nghị định 123/2020/NĐ-CP bao gồm:

a) Đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh như sau:

- Hộ, cá nhân kinh doanh theo quy định tại khoản 4 Điều 91 Luật Quản lý thuế 2019 không đáp ứng điều kiện phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế nhưng cần có hóa đơn để giao cho khách hàng;

- Tổ chức không kinh doanh nhưng có phát sinh giao dịch bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ;

- Doanh nghiệp sau khi đã giải thể, phá sản, đã chấm dứt hiệu lực mã số thuế có phát sinh thanh lý tài sản cần có hóa đơn để giao cho người mua;

- Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp thuộc các trường hợp sau:

+ Ngừng hoạt động kinh doanh nhưng chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế có phát sinh thanh lý tài sản cần có hóa đơn để giao cho người mua;

+ Tạm ngừng hoạt động kinh doanh cần có hóa đơn giao cho khách hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký trước ngày cơ quan thuế thông báo tạm ngừng kinh doanh;

+ Bị cơ quan thuế cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn.

b) Đối tượng sử dụng hóa đơn có mã của cơ quan thuế theo tổng lần phát sinh là hóa đơn giá trị gia tăng bao gồm:

- Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác thuộc diện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuộc các trường hợp sau:

+ Ngừng hoạt động kinh doanh nhưng chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế có phát sinh thanh lý tài sản cần có hóa đơn để giao cho người mua;

+ Tạm ngừng hoạt động kinh doanh cần có hóa đơn giao cho khách hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký trước ngày cơ quan thuế thông báo tạm ngừng kinh doanh;

+ Bị cơ quan thuế cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn.

- Tổ chức, cơ quan nhà nước không thuộc đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có bán đấu giá tài sản, trường hợp giá trúng đấu giá là giá bán đã có thuế giá trị gia tăng được công bố rõ trong hồ sơ bán đấu giá do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì được cấp hóa đơn giá trị gia tăng để giao cho người mua.

2. Những doanh nghiệp được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 91 Luật Quản lý thuế 2019, những doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực sau được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế, không phân biệt giá trị từng lần bán/cung cấp dịch vụ (trừ trường hợp rủi ro về thuế cao và trường hợp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế):

- Điện lực

- Xăng dầu

- Bưu chính viễn thông

- Nước sạch

- Tài chính tín dụng

- Bảo hiểm

- Y  tế

- Kinh doanh thương mại điện tử

- Kinh doanh siêu thị

- Thương mại

- Vận tải hàng không; Đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy

- Doanh nghiệp/tổ chức kinh tế đã hoặc sẽ thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, có hệ thống phần mềm kế toán, phần mềm lập hóa đơn điện tử đáp ứng lập, tra cứu hóa đơn điện tử, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định và bảo đảm việc truyền dữ liệu hóa đơn điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer