Công ty TNHH Minh Anh chuyên sản xuất giày da xuất khẩu đã hoạt động được 8 năm . Do ảnh hưởng của đợt COVID -19 vào đầu năm nay, công ty làm ăn không có lãi nên Ban Giám Đốc đã quyết định cắt giảm lao động. Tôi đang thắc mắc việc chấm dứt hợp đồng lao đồng trước hạn vì lý do dịch bệnh với một số người lao động thì có trái với quy định của pháp luật không? Công ty phải đảm bảo cho người lao động những quyền lợi nào trong trường hợp này ? Rất mong luật sư tư vấn giúp tôi!

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.

Bài làm:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Công ty Luật TNHH Sao Việt. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

* Về việc công ty chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn với một số lao động vì lý do dịch bệnh

Theo Điểm c Khoản 1 Điều 38  Bộ Luật Lao Động 2012 thì một trong những trường hợp người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm lao động là: “do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc” .

Đồng thời, theo Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định về “lý do bất khả kháng” bao gồm các trường hợp sau đây:

a) Do địch họa, dịch bệnh;

b) Di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Theo như Quyết định 447/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 01/4/2020 đã bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rut Corona gây ra (có tên gọi là Covid-19) vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A - những bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh (theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007). Do đó nguyên nhân dịch bệnh Covid 19 được coi là trường hợp mà người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động một cách hợp pháp.

Vậy nên, Công ty của bạn có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nếu đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc. Doanh nghiệp phải chứng minh được việc đã thực hiện mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc, cắt giảm nhân sự. Đồng thời, Doanh nghiệp phải đảm bảo báo trước cho người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng theo thời hạn như sau:

- Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

- Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

- Ít nhất 03 ngày làm việc đối với đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

* Về quyền lợi của người lao động trong trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động:

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 48 Bộ Luật Lao Động 2012 quy định về Trợ cấp thôi việc:

“1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.”

Như vậy trong trường hợp Doanh nghiệp đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động với Người lao động vì lý do dịch bệnh thì người lao động làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên sẽ được nhận trợ cấp thôi việc với mức trợ cấp mỗi năm làm việc bằng một nửa tháng lương.

Ngoài ra, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với vấn đề bạn quan tâm. Trong trường hợp còn thắc mắc cần được tư vấn cụ thể hơn, vui lòng liên hệ đến công ty Luật Sao Việt để được hỗ trợ . Trân trọng!

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer