Tôi xin vào làm việc ở công ty vệ sinh môi trường được 04 tháng với mức lương chính thức là 7 triệu (đã trừ bảo hiểm). Tuy nhiên đến tháng vừa rồi, tôi lại chỉ được nhận hơn 6 triệu rưỡi mặc dù tôi đi làm và chấp hành đầy đủ các nội quy của công ty. Khi hỏi bộ phận kế toán về bảng lương thì tôi mới được biết là một phần tiền lương bị trích ra để đóng đoàn phí công đoàn và kể từ tháng này bắt buộc tất cả công, nhân viên trong công ty phải tham gia. Xin hỏi tôi có bắt buộc phải tham gia công đoàn hay không? Nếu tham gia công đoàn tôi sẽ được hưởng những quyền lợi gì?

Ảnh minh họa: Internet

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, NLĐ có bắt buộc phải tham gia công đoàn không?

Căn cứ : Khoản 1 Điều 170 Bộ luật lao động 2019 + Khoản 1 Điều 4 Luật Công đoàn 2012 + điểm b khoản 1 Điều 45 Nghị định 145/2020/NĐ-CP

Kết luận: Tham gia công đoàn là quyền của người lao động. Người lao động có quyền quyết định gia nhập hoặc không gia nhập công đoàn tùy theo nguyện vọng và mong muốn của bản thân. Do đó bạn không bắt buộc phải tham gia công đoàn.

Trường hợp doanh nghiệp có các hành vi, biện pháp ép buộc người lao động phải tham gia công đoàn và đóng đoàn phí được xem là đã vi phạm một trong những điều cấm của luật lao động được quy định tại Điều 175 Bộ luật Lao động 2019

“Điều 175. Các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động liên quan đến thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở

1. Phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động tổ chức đại diện người lao động, bao gồm:

a) Yêu cầu tham gia, không tham gia hoặc ra khỏi tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để được tuyển dụng, giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động;

…..”

Khi đó, người, tổ chức vi phạm sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị xử phạt hành chính đến 60 triệu đồng. Căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 36 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt như sau:

+ Đối với cá nhân:

“Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động tổ chức đại diện người lao động, bao gồm một trong các hành vi sau đây:

a) Phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc, các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động;

b) Yêu cầu tham gia, không tham gia hoặc ra khỏi tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để được tuyển dụng, giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động;…”

+ Đối với tổ chức: Khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, vì vậy doanh nghiệp ép buộc người lao động tham gia/ không tham gia công đoàn sẽ bị xử phạt tối thiểu 30 triệu đồng, tối đa 60 triệu đồng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.

Thứ hai, những quyền lợi mà người lao động được hưởng khi tham gia công đoàn:

Tham gia công đoàn, người lao động sẽ được hưởng những quyền lợi sau:

+ Được yêu cầu Công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm. Theo đó, công đoàn có trách nhiệm kiến nghị với tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động hoặc của người lao động bị xâm phạm; đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm; đại diện cho người lao động khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị xâm phạm và được người lao động uỷ quyền; đại diện cho tập thể người lao động tham gia tố tụng trong vụ án lao động, hành chính, phá sản doanh nghiệp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động và người lao động; đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thoả ước lao động tập thể

+ Được thông tin, thảo luận, đề xuất và biểu quyết công việc của Công đoàn; được thông tin về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến Công đoàn, người lao động; quy định của Công đoàn.

+ Ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; chất vấn cán bộ lãnh đạo công đoàn; kiến nghị xử lý kỷ luật cán bộ công đoàn có sai phạm.

+ Được Công đoàn tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí pháp luật về lao động, công đoàn, người lao động được hướng dẫn, tư vấn về quyền, nghĩa vụ của người lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với đơn vị sử dụng lao động.

+ Được Công đoàn hướng dẫn giúp đỡ tìm việc làm, học nghề; thăm hỏi, giúp đỡ lúc ốm đau hoặc khi gặp hoàn cảnh khó khăn.

+ Tham gia hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch do Công đoàn tổ chức.

+ Đề xuất với Công đoàn kiến nghị cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với người lao động.

(Điều 10,18 Luật công đoàn 2012)

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer