Giáo viên sinh con trùng với thời gian nghỉ hè thì được nghỉ thai sản như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ pháp lý:

+  Điều 5 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT, sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT

+ Công văn 1125/NGCBQLGD-CSNGCB hướng dẫn giải quyết chế độ thai sản của giáo viên trùng thời gian nghỉ hè

Theo quy định pháp luật, thời gian làm việc của giáo viên là 42 tuần. Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ Luật lao động). Thời gian này giáo viên được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có).

Bên cạnh đó, giáo viên - không phân biệt dạy theo hợp đồng hay đã thi đỗ công chức, viên chức đều thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Do đó nếu đáp ứng đủ điều kiện được hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì giáo viên sẽ được nghỉ thai sản 6 tháng. Nếu sinh đôi trở lên thì cứ mỗi một con sẽ được nghỉ thêm 01 tháng.

Trường hợp giáo viên nữ sinh con trùng với thời gian nghỉ hè thì phương án xử lý được hướng dẫn tại Công văn 1125/NGCBQLGD-CSNGCB như sau:

“…Thời gian nghỉ hè của giáo viên bao gồm cả thời gian nghỉ hằng năm là 8 tuần đối với giáo viên mầm non (khoản 2 Điều 3 Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT) và 02 tháng đối với giáo viên phổ thông (khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT). Thời gian này giáo viên được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có). Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường. Hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định (khoản 2 Điều 3 Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT, khoản 3 Điều 5 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT).

Do đó trường hợp giáo viên nữ có thời gian nghỉ thai sản trùng với thời gian nghỉ hè thì sẽ được cơ sở giáo dục bố trí thời gian nghỉ hằng năm theo quy định tại Điều 111 và Điều 112 Bộ Luật lao động hoặc thanh toán tiền nghỉ hằng năm (nếu do yêu cầu công tác, cơ sở giáo dục không bố trí được thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên) theo quy định tại Điều 114 Bộ Luật Lao động. Mức chi hỗ trợ cho giáo viên trong trường hợp cơ sở giáo dục không bố trí được thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên được quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 141/2011/TT-BTC ngày 20/10/2011 của Bộ Tài chính…”

Như vậy, nếu giáo viên sinh con vào dịp nghỉ hè thì giáo viên sẽ được nghỉ trọn vẹn thời gian thai sản, còn đối với thời gian nghỉ hè thì có 2 phương án giải quyết như sau:

+ Một là: Được nghỉ bù

Tùy thuộc vào kế hoạch năm học, điều kiện cụ thể của từng trường, giáo viên sẽ được bố trí thời gian nghỉ bù. Lưu ý thời gian nghỉ bù của giáo viên nữ sẽ được tính bằng thời gian nghỉ hằng năm theo quy định tại Điều 113, 114 Bộ luật lao động 2019.

Khi đó Thời gian nghỉ hưởng nguyên lương đối với giáo viên đã làm việc một năm trở lên là 12 ngày làm việc. Cứ làm việc được 05 năm thì sẽ được tăng thêm tương ứng 01 ngày làm việc.

Nếu giáo viên làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

+ Hai là, Không được nghỉ bù:

Trường hợp không bố trí được thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên thì giáo viên sẽ được thanh toán tiền nghỉ hàng năm.

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer