Tôi vừa sinh em bé và đang trong thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản 6 tháng. Cuối năm nay, vợ chồng tôi dự định sẽ xin nghỉ phép năm để đưa con về quê thăm ông bà nội, ngoại. Theo tôi được biết người lao động làm việc đủ 12 tháng thì sẽ được nghỉ 12 ngày phép năm. Tuy nhiên tôi lại vướng 6 tháng nghỉ thai sản thì có được tính ngày phép năm không? Thời gian nghỉ thai sản có được coi là thời gian làm việc để được hưởng trọn 12 ngày phép năm không?

Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Thông thường, theo quy định tại Điều 113 Bộ luật lao động 2019, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động, cụ thể như sau:

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Riêng đối với người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

Chính vì vậy, nhiều lao động nữ được nghỉ chế độ thai sản 6 tháng thì rất băn khoăn về việc bản thân có được tính phép năm không vì thời gian thực tế đi làm của người lao động trong một năm khi đó rút xuống chỉ còn 6 tháng.

Ngoài ra, theo Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động như sau:

+ Thời gian học nghề, tập nghề theo quy định tại Điều 61 của Bộ luật Lao động nếu sau khi hết thời gian học nghề, tập nghề mà người lao động làm việc cho người sử dụng lao động.

+ Thời gian thử việc nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc.

+ Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương theo khoản 1 Điều 115 của Bộ luật Lao động.

+ Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm.

+ Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng.

+ Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng trong một năm.

+ Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

+ Thời gian thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà được tính là thời gian làm việc theo quy định của pháp luật.

+ Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động.

+ Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc nhưng sau đó được kết luận là không vi phạm hoặc không bị xử lý kỷ luật lao động.

Như vậy, thời gian lao động nữ nghỉ thai sản hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì thời gian này vẫn được xem là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm, do đó, bạn vẫn có thể được nghỉ 12 ngày phép năm theo quy định.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer