Tôi ký hợp đồng lao động và làm việc ở vị trí chuyên viên kỹ thuật sửa chữa chung trong một showroom ô tô. Vừa qua để kịp tiến độ bàn giao xe cho khách hàng nên ban giám đốc đã điều động chúng tôi xuống nhà máy sản xuất & lắp ráp để cập nhật phần mềm cho xe, thời gian làm việc dự kiến kéo dài 2 tuần hoặc lâu hơn. Tuy nhiên do vợ tôi sắp sinh, nhà lại không có ai nên tôi đã từ chối đi. Xin hỏi trường hợp của tôi có được từ chối đi công tác không? Nếu không đi liệu có bị sa thải không?

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định của Luật lao động hiện hành, chỉ lao động nữ được quyền từ chối đi công tác trong 2 trường hợp sau đây:

TH1, Đang mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;

TH2, Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.

Do đó, nếu không thuộc 2 trường hợp nêu trên mà người lao động muốn từ chối đi công tác thì phải xem xét lại nội dung thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã ký kết trước đó. Có 2 khả năng như sau:

Một là, người lao động không được từ chối đi công tác nếu:

+ Trong hợp đồng có điều khoản về việc người lao động phải đi công tác xa theo sự phân công của cấp trên

+ Hoặc trong trường hợp trong hợp đồng không đề cập rõ về vấn đề này thì người lao động phải thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động 2019, cụ thể tại điểm b khoản 2 Điều 5 Bộ luật Lao động năm 2019: “người lao động có nghĩa vụ tuân theo sự quản lý, điều hành giám sát của người sử dụng lao động”

Hai là, người lao động được quyền từ chối đi công tác nếu trong hợp đồng lao động đã thỏa thuận rõ về nội dung công việc, vị trí, địa điểm, phạm vi làm việc cố định và việc người lao động không đi công tác

Trường hợp người lao động bắt buộc phải đi công tác nhưng cố tình trốn tránh, từ chối thì tùy theo nguyên nhân, tính chất mức độ, người lao động có thể bị xem là vi phạm nội quy lao động của công ty và có thể bị xử lý kỷ luật theo các hình thức như: - Khiển trách

- Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.

- Cách chức.

- Sa thải.

Riêng với hình thức kỷ luật sa thải - đây là hình thức xử lý kỷ luật nặng nhất và nó làm chấm dứt quan hệ lao động. Do đó, pháp luật cũng quy định cụ thể các trường hợp mà người sử dụng lao động được phép xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động gồm:

 - Trộm cắp; tham ô; đánh bạc; cố ý gây thương tích; sử dụng ma túy tại nơi làm việc.

- Tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động; gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động; quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

- Bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật; bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm. Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật.

- Tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.

(theo Điều 125 BLLĐ năm 2019)

=> Như vậy, trường hợp bạn từ chối đi công tác mà không kèm theo một trong các yếu tố nêu trên thì sẽ không bị sa thải.

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer